70 năm giải phóng Thủ đô

Cách sắm lễ Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch năm 2024

PV (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giỗ Tổ Hùng Vương - ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là một ngày trọng đại, là ngày mà mọi người dân Việt Nam dù ở đâu trên thế giới cũng đều hướng về.

Lễ phẩm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Trong ngày này, người dân thường chuẩn bị lễ cúng để tưởng nhớ công lao dựng nước và giữ nước của các vua Hùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Lễ phẩm theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa trong nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng trong Công văn số 796/HD-BVHTTDL ngày 18/3/2009 gồm có: 18 chiếc bánh dày; 18 chiếc bánh chưng để dâng lên 18 đời Vua Hùng; hương hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả.

Trong đó, bánh dày hình tròn, tượng trưng cho trời, thường không có nhân. Còn bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho đất.

Lễ vật dâng cúng trong các buổi tế lễ Hùng Vương ở các địa phương gần như là giống nhau đều bao gồm: Xôi, oản, hoa quả, rượu, hương, gạo muối, bánh chưng bánh dày...

Tại các gia đình, khi cúng Giỗ tổ Hùng Vương cũng không thể thiếu những lễ vật cơ bản sau: Bánh chưng, bánh dày, hương hoa, nước, trầu, cau, rượu và mâm ngũ quả. Mâm cỗ chay (tùy theo điều kiện của từng gia đình).

Sau khi chuẩn bị lễ cúng xong, chúng ta tiến hành đọc văn khấn Giỗ tổ Hùng Vương. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý không nhầm lẫn giữa bài khấn Giỗ tổ Hùng Vương tại đền và tại nhà.

Các món ăn đặc trưng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Cơm hạt sen: Đây được coi là món ăn của bậc vua chúa khi xưa. Do đó, món ăn này làm khá cầu kì, đòi hỏi người chế biến phải thật tỉ mỉ, kỹ lưỡng. 

Xôi gấc: Trong mâm cúng giỗ tổ Hùng Vương nếu thiếu xôi gấc sẽ vô cùng thiếu sót. Món ăn này là sự kết hợp của xôi truyền thống và gấc để tạo màu sắc bắt mắt. Màu đỏ của xôi gấc còn được người Việt Nam quan niệm là màu tượng trưng cho may mắn.

Nem rán: Đây là món ăn đã quá quen thuộc trong mâm cơm của gia đình Việt Nam. Tùy từng vùng miền mà nguyên liệu làm nem rán cũng khác nhau. 

Bánh chưng, bánh dày: Đây chính là hai món ăn không thể thiếu trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Hai món bánh này bắt nguồn từ thời Hùng Vương thứ 6, đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt từ bao đời nay. 

Nguyên liệu làm bánh chưng, bánh dày chủ yếu từ gạo nếp, thịt lợn hay đậu xanh với hương vị truyền thống đặc trưng. Theo đó, bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất còn bánh dày tượng trưng cho trời.

Bánh chưng, bánh dày gắn với truyền thuyết mang ý nghĩa lịch sử được nhân dân Việt Nam truyền tai nhau từ bao đời nay.