Mặc dù cho rằng nguy cơ này cũng không hoàn toàn đáng ngại bởi lượng thôi nhiễm là không đáng kể, nhưng các chuyên gia vẫn khuyến cáo không nên lưu trữ thực phẩm quá lâu trong các nồi đựng bằng kim loại. Hàm lượng thôi nhiễm thấp PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trước đây khi chưa thịnh hành nồi nhôm, inox, người dân thường sử dụng nồi đồng để nấu ăn. Nhiều món ăn sau khi nấu hoặc đựng để qua đêm khi ăn có vị chát, chát đến mức không ăn nổi. Sau này mọi người mới lý giải ra rằng, vị chát đó là do bị thôi nhiễm đồng mà nên. Cũng may là hiện nay không còn nhiều gia đình sử dụng nồi đồng để nấu ăn hoặc lưu trữ thực phẩm. Cũng theo vị chuyên gia này, việc các gia đình đựng thức ăn lâu dài trong nồi nhôm, đồng hay thậm chí cả inox... đều là không hợp lý và chắc chắn bị thôi nhiễm. Bởi trong các món ăn, nhất là các món chua đều có một lượng axit nhất định. Lượng axit này sau khi được "ngâm" trong nồi sẽ làm thôi ra một lượng kim loại hoặc làm oxy hóa lớp bề mặt vật đựng bằng kim loại. Nồng độ cũng như hàm lượng kim loại bị thôi nhiễm ra dù không nhiều nhưng lâu dần tích tụ trong cơ thể người dùng cũng sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ.
PGS.TS hóa học Trần Hồng Côn cũng đồng quan điểm khi cho rằng, chất liệu của nồi nấu/đựng bằng đồng sẽ thôi ra nhiều hơn chất liệu nhôm, inox. Bởi nhôm và inox có tính trơ tương đối đối với chất lỏng như nước và một số loại oxit nên khi chứa đựng thực phẩm, dù các axit hữu cơ có thể ăn vào bề mặt vật liệu làm thôi ra oxit nhôm hay oxit kim loại, nhưng hàm lượng thôi nhiễm rất nhỏ. Bề mặt vật liệu khi đó có thể bị rỗ, sần sùi, nhưng sau khi cọ rửa sạch thì nồi lại có thể sử dụng bình thường do lớp oxit mới sinh ra sẽ như một lớp phủ bề mặt. Vẫn nên phòng độc Thời gian lưu trữ và đun nấu thức ăn càng lâu thì thời gian xoong nồi nhôm bị xám màu và rỗ càng nhanh hơn. Đặc biệt là các thức ăn mặn, chua giống như những chất xúc tác khiến cho quá trình thôi nhiễm và ăn mòn kim loại càng xảy ra nhanh hơn, khiến cho bề mặt nhôm dễ bị nổ và xám đen. Theo các chuyên gia, đối với người am hiểu hóa học có thể phân biệt được sự thôi nhiễm kim loại vào thức ăn trong các trường hợp tương tự nhờ mùi, vị... Tuy nhiên, đối với người dân vẫn chưa có cách nhận biết đơn giản nào. Ví dụ, đồ đồng khi thôi ra có vị chát nhưng đồ sắt, nhôm mùi không có biểu hiện rõ. Vì thế, theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, mỗi người dân vẫn phải tự bảo vệ mình. Cụ thể, khi thức ăn đã ăn xong, còn thừa hoặc muốn bảo quản thời gian dài từ vài tiếng trở lên nên cho vào đồ sứ, đồ thủy tinh để đảm bảo.
PGS.TS Trần Hồng Côn cũng khuyến cáo người dân không nên ăn các thực phẩm chứa đựng lâu trong nhưng loại nồi này dù trên thực tế chưa có nghiên cứu cụ thể nào về hàm lượng kim loại thôi ra, cũng như ảnh hưởng của các chất thôi nhiễm đối với thực phẩm. Ngoài ra, cũng từ các nghiên cứu khác cho thấy, nồi kim loại khi mới dùng đôi khi cũng thôi ra một lượng kim loại nhất định như Nickel, Chrome hoặc sắt. Lý do là bởi các bụi kim loại còn bám trên bề mặt sau quy trình đánh bóng. Do vậy, các nhà sản xuất khuyên người tiêu dùng, đối với nồi mới, nên cọ rửa sạch, cho nước vào nấu sôi, rửa sạch lại sau đó mới dùng.