Hiện không có CLB chuyên nghiệp Việt Nam nào kiếm tiền đủ trang trải chi phí, tất cả đều phụ thuộc vào túi tiền của ông bầu. Nên sự tồn tại hay chấm dứt của một đội bóng chuyên nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào việc kinh doanh của các ông bầu. Mới đây S.Khánh Hoà thậm chí còn phải bán cầu thủ tốt nhất để có tiền nuôi anh em còn lại.
Vấn đề đầu tiên
Tưởng như sau mùa giải năm ngoái về kinh phí của Nam Định, SLNA, Thanh Hoá, Bình Định, S.Khánh Hoà thì các CLB sẽ biết cách chuẩn bị sớm cho mùa bóng. Nhưng việc kiếm tiền nuôi bóng đá mùa Covid-19 không dễ khiến cho khá nhiều đội bóng “dở khóc, dở cười” khi ngày khai mạc giải đấu kề cận. Mục tiêu tạo hình chóp các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp của VFF đang bị đe doạ.
Liệu Quảng Ninh có kịp gặp lại nhau không? Ảnh CLB |
Trớ trêu nhất vẫn phải kể đến Quảng Ninh, đội bóng đang lâm vào cảnh “rắn mất đầu” khi HLV Phan Thanh Hùng đã rời đội sau khi gửi đơn xin chấm dứt hợp đồng trước 1 năm. Hiện đội bóng vẫn nợ 4 tháng lương, và chỉ còn 10 cầu thủ , trong đó có Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú, Nguyễn Hải Huy, Phạm Nguyên Sa.
Đến nỗi hội CĐV Than Quảng Ninh đã kêu gọi CĐV đăng ký lập một đội bóng để thi đấu trong vai trò là "quân xanh" cho các cầu thủ CLB để duy trì cảm giác bóng. Phải đến sau 15/12/2020 thì số phận đội bóng mới được UBND tỉnh quyết định trong khi đó 16/01/2021 là ngày khai mạc mùa giải mới. Bầu Hùng quyết tâm giữ đội bóng nhưng với thời gian ngắn, lực lượng mỏng, kinh phí hẻo thì con đường trụ lại bóng đá chuyên nghiệp của họ đầy chông gai.
Bài toán kinh phí không chỉ là nỗi ám ảnh của Quảng Ninh. Việc kết thúc mùa giải hạng Nhất quốc gia LS 2020, đội XSKT Cần Thơ đã hoàn thành mục tiêu trụ hạng khi đứng thứ 8/12 đã phá sản kế hoạch chuẩn bị mùa giải tới của địa phương. Lãnh đạo TP Cần Thơ cũng cho biết có 2 phương án được chuẩn bị cho quá trình chuyển giao này: Một là đội bóng về Trung tâm Thể dục thể thao Cần Thơ, hai là về Liên đoàn Bóng đá Cần Thơ.
Văn Quyết và các đồng đội đang tích cực chuẩn bị mùagiải. Ảnh VPF |
Do bất ngờ trụ lại hạng Nhất nên phương án đội bóng về trung tâm coi như không thể thực hiện do còn vướng quy định. Theo yêu cầu của VFF, chủ quản các CLB bóng đá chuyên nghiệp phải là doanh nghiệp. Trong khi đó Liên đoàn Bóng đá Cần Thơ đang gặp khó khăn về kinh phí lại còn đang chuẩn bị đại hội bầu ban chấp hành nhiệm kỳ mới sau khi kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020
Lực lượng đội bóng Cần Thơ hiện tại gần như đã phân tán hết. HLV Nguyễn Hữu Ðang đã về Khánh Hòa ngay khi kết thúc mùa giải 2020. Những cầu thủ đến Cần Thơ theo hợp đồng cho mượn đã trở lại CLB chủ quản. Số ít cầu thủ của Cần Thơ đều đã hết hạn hợp đồng được tự do tìm bến mới. Rối như tơ vò!
CLB Gia Định lại còn bi hài hơn, sống chết đá trận play-off với CAND được quyền lên hạng Nhất rồi mới chợt nhận ra “sân thi đấu chưa đạt yêu cầu và chưa có các tuyến đào tạo trẻ tham gia các giải vô địch quốc gia". Ai cũng biết, sân bãi và đào tạo trẻ không phải là chuyện lúc này các ông bầu CLB Gia Định mới nhận ra. Phải công nhận người khiến cho CLB Gia Định nhận được “thiếu sót” của mình quả là tài cao.
VFF cần cương quyết
Ngoài 3 đội bóng trên thì SLNA, Hải Phòng, DNH Nam Định và HL Hà Tĩnh vẫn ung dung “kê cao, gối ngủ” bởi họ biết dù nợ tiêu chí chuyên nghiệp nhưng VFF và VPF chắc không dám thẳng tay loại mình. Việc tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp theo hình chóp của VFF đang bị đe doạ bởi hiện không nhiều ông bầu còn thiết tha với bóng đá.
Hồng Lĩnh Hà Tĩnh trên đường đi tìm bản sắc. Ảnh CLB |
Đã đến lúc VFF cần nghiêm túc nhìn lại công tác tổ chức các CLB bóng đá chuyên nghiệp. Mới đây tuyển thủ Hai Long (Quảng Ninh) khi lên tuyển quốc gia sau khi kiểm tra chụp chiếu, bác sỹ kết luận cầu thủ thuộc biên chế Than Quảng Ninh đã bị rách sụn chêm ngoài gối trái, buộc phải trả về. Trước đó, do điều kiện sân bãi nên Văn Đức, Xuân Mạnh (SLNA) đã bị chấn thương dài hạn, ảnh hưởng đến phong độ thi đấu. Không chỉ Quảng Ninh, SLNA mà khá nhiều đội bóng Việt, công tác y tế tại CLB đang có nhiều vấn đề, mới đây bác sĩ chính của đội bóng xứ Nghệ đã ra đi vì tiền lương chỉ 5 trệu đồng.
Với công tác đào tạo trẻ như hiện nay, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chúng ta cần tính toán nên duy trì bao nhiêu CLB V.League, hạng Nhất. Với việc “chạy ăn từng bữa” như nhiều đội V.League như hiện nay thì không nhất thiết phải có 14 đội bóng mà so với tiêu chí chuyên nghiệp luôn thiếu trước, hụt sau