Với đặc thù là 1 trong 5 đơn vị được giao thí điểm xây dựng chính quyền điện tử, một điểm nổi bật trong thực hiện Chương trình 80-CTr/TU tại Tây Hồ là UBND quận đã áp dụng quy trình quản lý văn bản theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Đến nay, toàn bộ văn bản, quyết định hành chính được ban hành áp dụng theo quy trình ban hành văn bản theo tiêu chuẩn này, 100% văn bản đi-đến được số hóa và đính kèm vào phần mềm quản lý văn bản, được truyền nhận trên mạng giữa các đơn vị thuộc quận.
Trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), từ đầu năm 2012 đến hết tháng 10/2014 bộ phận một cửa cấp quận đã tiếp nhận 31.810 hồ sơ, trong đó số hồ sơ đã giải quyết đạt 99,03%; tại bộ phận một cửa các phường nhận 107.982 hồ sơ, trong đó hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 100%. Các cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ từ quận đến phường đều đồng thời là người tư vấn pháp luật miễn phí cho nhân dân khi đến giao dịch. Theo khảo sát thăm dò của MTTQ quận, 90% người dân đánh giá tốt về thái độ của cán bộ “một cửa”.
Toàn cảnh buổi làm việc.
|
Nhằm nâng cao cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, 3 năm qua, quận Tây Hồ đã tổ chức 138 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 18.562 lượt cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể; cử 163 cán bộ tham gia các lớp đào tạo lý luận chính trị... Hiện 99,07% cán bộ công chức và 90% viên chức thuộc UBND quận có trình độ từ đại học trở lên. Để hiện đại hóa hành chính, quận Tây Hồ rất chú trọng ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành, duy trì hoạt động hiệu quả cổng giao tiếp điện tử... Đến nay, quận đã hoàn thiện và ứng dụng phần mềm cấp giấy chứng nhận VSATTP trực tuyến mức độ 3, tích hợp phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại tố cáo lên Cổng giao tiếp điện tử...
Mặc dù vậy, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng thừa nhận: Công tác triển khai CCHC tại một số đơn vị vẫn thiếu sáng tạo, chưa thường xuyên tự kiểm tra, còn để hồ sơ bị quá hạn trả cho công dân, công dân phải đi lại nhiều lần để bổ sung hồ sơ... Để nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, bên cạnh nỗ lực của địa phương, ông Thắng kiến nghị TP ban hành các chính sách đối với cán bộ, công chức xã phường cần có tính ổn định và cụ thể cho phù hợp quy định; tăng cường bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ công chức làm việc tại bộ phận một cửa về nghiệp vụ cũng như kỹ năng giao tiếp với công dân...
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn đánh giá, với đặc điểm khó khăn, phức tạp của một quận mới có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, những kết quả đạt được của Tây Hồ trong công tác CCHC rất đáng biểu dương, nhất là nhờ cải cách thể chế, công khai minh bạch đã giúp hạn chế tối đa khiếu kiện của người dân, không có khiếu kiện vượt cấp, mức độ hài lòng của người dân khá cao. Bên cạnh đó, đề án việc làm được quận chú trọng, ứng dụng CNTT triển khai hiệu quả...
“Nhận thức của các cấp lãnh đạo, người đứng đầu có trách nhiệm là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành công trong CCHC tại Tây Hồ, nên quận có hệ thống văn bản điều hành sát thực tế, lại thường xuyên có kiểm tra giám sát, xác định được hệ thống giải pháp đúng đắn cho triển khai...”, đồng chí Lê Hồng Sơn đánh giá. Để khắc phục những tồn tại, bên cạnh giải quyết nguyên nhân khách quan, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn nhấn mạnh Tây Hồ cần xiết lại công tác quản lý. Bên cạnh đó, UBND TP sẽ quan tâm điều chỉnh chính sách về quản lý đất đai cho phù hợp thực tế.
Tại buổi làm việc, từ thực tế khó khăn tại Tây Hồ, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn đề nghị Sở Nội vụ năm 2015 mạnh dạn đề xuất xây dựng đề án phân bổ cán bộ xã phường cho phù hợp thực tiễn, trong đó cần tập trung cho những địa phương đang đô thị hóa mạnh. Bởi lẽ hiện nay, Hà Nội rất thiếu cán bộ cấp cơ sở, trong khi tại các xã phường rất nhiều việc, cán bộ phải sát dân gần dân.