Cải cách chính sách tiền lương: Kỳ vọng bớt nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”

Linh Chi - Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề án cải cách chính sách tiền lương được trình và thảo luận tại Hội nghị T.Ư 7 (Khóa XII) đang gây sự quan tâm đặc biệt. Trong đó, những DN, cán bộ, công chức (CBCC), người lao động (NLĐ) - đối tượng trực tiếp hưởng lợi từ đề án này rất kỳ vọng sẽ có thay đổi căn bản trong thu nhập để vơi đi nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”.

Cán bộ bộ phận một cửa thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) hướng dẫn công dân kê khai hồ sơ hành chính.
Trả lương theo vị trí việc làm
Nói về Đề án lần này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định: Cần xác định rõ, tiền lương phải là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho NLĐ và gia đình họ, tạo động lực nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) và hiệu quả làm việc. Trong đó, với khu vực công, Nhà nước sẽ trả lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động. Với khu vực DN, tiền lương là giá trị của sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động theo quy luật thị trường có quản lý của Nhà nước.

Đa số DN đánh giá, đề án sẽ khắc phục được nhiều hạn chế trong cách trả lương hiện nay, nhất là những NLĐ có trình độ, như kỹ sư mới ra trường xin vào DN chỉ được trả lương 85% thì họ thậm chí không muốn thử việc. Nhưng với đề án này, sẽ giao quyền chủ động cho DN, bởi có thể thỏa thuận rõ ràng về mức lương ngay từ khi tuyển dụng NLĐ tùy theo trình độ, vì thế mới khuyến khích được người tài, giữ chân NLĐ, tránh được can thiệp nhiều của Nhà nước.
Đề án cải cách tiền lương đưa ra Hội nghị T.Ư 7 có nhiều điểm mới, đột phá để CBCC sống được bằng lương, qua đó giảm thiểu tình trạng có những người “chân ngoài dài hơn chân trong”, giảm tiêu cực, tham nhũng vì đồng lương không đủ sống. Lương sẽ được trả theo đúng hiệu quả và chất lượng công việc. 

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt 10/10 Dương Văn Bình, việc loại bỏ yếu tố “thâm niên” trong trả lương như Đề án có thể tạo ra mâu thuẫn nội bộ DN, khó giải quyết được với những công nhân lâu năm, nên đòi hỏi ban lãnh đạo phải đánh giá chính xác, cùng với tích cực tuyên truyền để NLĐ dần chấp nhận.
“Việc cho DN tự quyết định thang bảng lương cần sớm rõ ràng, đề ra hướng đi cởi mở để DN có thể tự làm. Vì với những công ty cổ phần xuất phát từ DN Nhà nước như Dệt 10/10 có nhiều công nhân lâu năm đang được hưởng theo các bậc lương cho chuyên viên, cán sự…, cùng với phụ cấp chức danh, thì theo đề án, chúng tôi chưa biết phải xây dựng bảng lương theo hướng nào” - ông Bình chia sẻ, đồng thời đề nghị, việc tăng lương cho NLĐ cần đồng bộ với chính sách về BHXH, trong đó giảm mức đóng của cả NLĐ và của DN.

Mong tăng lương tương xứng với áp lực công việc

Không chỉ NLĐ khu vực DN mà cả CBCC tại các cơ quan hành chính cũng bày tỏ kỳ vọng lớn ở lần cải cách lương này. Theo nhiều ý kiến, với riêng CBCC ở các cơ quan quản lý ở địa phương, nhất là CBCC bộ phận Một cửa (BPMC) cấp quận, phường thì áp lực công việc rất lớn, thường xuyên phải tiếp xúc, giải quyết TTHC cho người dân…, thì mức thu nhập hiện nay chưa thỏa đáng.

Như Phó Chủ tịch UBND phụ trách BPMC phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) Hoàng Thị Tuyết Lan chia sẻ: Mỗi công chức BPMC phường đang được hưởng bậc 2,67, cộng phụ cấp 0,6 dành cho công chức BPMC thì tối đa cũng chỉ được 5 triệu đồng/tháng, không có thêm hỗ trợ nào. “Cải cách tiền lương lần này cần quan tâm tăng lương cho CBCC cơ sở để khích lệ họ yên tâm cống hiến lâu dài. Thẳng thắn mà nói, với cường độ công việc, sức lực, trí tuệ phải bỏ ra nhiều như hiện nay thì chỉ những người thực sự tâm huyết với công việc mới có thể bám trụ lâu được tại cơ sở" - bà Lan nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, hiện nay, khu vực công có mức lương cơ sở mới bằng khoảng 50% so với lương tối thiểu của vùng thấp nhất. T.Ư đưa ra mốc đến năm 2021 chúng ta thực hiện mức lương khu vực công bằng với mức lương thấp nhất của thị trường. Đây là quyết tâm lớn nhưng quyết tâm ấy phải trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế để giảm số đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Làm được việc này, cần phải chuẩn bị các nguồn lực. Còn nếu, T.Ư muốn tạo ra đột phá, nhưng lại không tinh giản biên chế, số đối tượng hưởng lương vẫn nguyên, không đánh giá và phân loại, gắn tiền lương với công việc thì tăng lương có ý nghĩa không nhiều. Theo ông Huân, sự cải cách tiền lương phải có một quá trình, lộ trình cụ thể, tiến đến mục tiêu là người làm công ăn lương sống được bằng lương.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng: “Khi tinh gọn biên chế, chúng ta dồn khoản tiền lương vốn chia đều cho 5 người xuống còn 1, 2 người thì người lao động được hưởng lương phù hợp nuôi sống được mình, gia đình”.
Cần tính toán hài hòa, có lộ trình, cân nhắc kỹ để tránh gây “sốc xã hội”. Nếu cứng nhắc áp dụng ngay cách tính lương theo vị trí việc làm sẽ có tác động tới số lượng rất lớn NLĐ trong khu vực DN. Nhất là với NLĐ có thâm niên hàng chục năm công tác, không nên tính toán một cách số học, vì sẽ có những người bị giảm gần một nửa thu nhập so với hiện nay. 

Trưởng ban Chính sách pháp luật LĐLĐ TP Hà Nội Tạ Văn Dưỡng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần