Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách chính sách tiền lương thực hiện từ 1/7/2024

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 1/7/2024, cán bộ, công chức trên toàn quốc được trả lương theo vị trí việc làm thay cho chính sách tiền lương thấp, chưa tạo động lực hiện nay.

Trả lương theo vị trí việc làm

Quốc hội đề nghị hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 từ 1/7/2024.

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được Quốc hội thông qua chiều 9/11, yêu cầu Chính phủ rà soát, hoàn thiện chính sách tiền lương, các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng độ bao phủ và phát triển diện tham gia.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV

Theo đó, từ 1/7/2024, cán bộ, công chức trên toàn quốc được trả lương theo vị trí việc làm thay cho chính sách tiền lương thấp, chưa tạo động lực hiện nay. Bộ Nội vụ đã xây dựng 6 nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm.

Cụ thể, có 861 vị trí việc làm cán bộ, công chức, trong đó nhóm lãnh đạo, quản lý có 137 vị trí; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên ngành 665 vị trí; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung 37 vị trí; nhóm hỗ trợ, phục vụ 22 vị trí. Cán bộ, công chức cấp xã có 17 vị trí, trong đó 11 vị trí cán bộ chuyên trách, 6 vị trí công chức xã. Đến nay, 16/20 bộ ngành ban hành vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành.

Tại phiên chất vấn ngày 8/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương được ban hành năm 2018 đặt mục tiêu cải cách tiền lương từ 1/7/2021 nhưng chưa thể thực hiện vì nguồn lực còn khó khăn do đại dịch Covid-19 và tác động từ tình hình quốc tế.

Chính phủ đã cố gắng trích lập quỹ lương, tăng thu giảm chi, đến nay có khoảng 560.000 tỷ đồng tiết kiệm chi cho cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 đến hết năm 2026. Song song cải cách tiền lương khu vực Nhà nước, chúng ta cũng cải cách tiền lương khu vực ngoài Nhà nước, doanh nghiệp, để tiệm cận với nhau.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với đảm bảo hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo lương cho người lao động. Chính phủ giao Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cùng các cơ quan nghiên cứu xây dựng chính sách tiền lương ngoài khu vực Nhà nước cho phù hợp.

Năm 2030, đào tạo 100.000 nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn

Nghị quyết cũng yêu cầu nâng cao chất lượng sách giáo khoa, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV
Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV

Về Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, Quốc hội đề nghị thực hiện giải pháp đột phá phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp; tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi.

Mục tiêu đến năm 2025 và 2030, Việt Nam đào tạo 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn.

Nghị quyết giao Chính phủ hoàn thiện hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là sân bay, bến cảng, hệ thống đường cao tốc, các tuyến đường gom, nút giao kết nối; bảo đảm vật liệu san lấp cho các công trình hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm. Các dự án đường bộ cao tốc cần được thúc đẩy để bảo đảm hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km vào năm 2025.

Cùng với đó, Chính phủ phải nghiên cứu, triển khai hiệu quả Kết luận số 49 năm 2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia, tuyến đường sắt trục Đông - Tây cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng; phấn đấu hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét Đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong năm 2024.