Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách để hội nhập

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức ký kết tại Chile. Để có được kết quả này trước đó, các bên đã tiến hành quá trình rà soát pháp lý cũng như hoàn tất các thủ tục nội bộ. Tuy nhiên điều quan trọng hơn cả là quyết tâm vì sự phát triển của thương mại toàn cầu trước xu thế bảo hộ mậu dịch đang hình thành với việc Mỹ, một đối tác quan trọng đơn phương rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 Ảnh minh họa
Theo tính toán sơ bộ của Bộ KH&ĐT, Hiệp định CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng thêm trên dưới 2%, xuất khẩu tăng thêm 4%. Và đặc biệt, hiệu quả tăng trưởng GDP không chỉ đến từ xuất nhập khẩu mà còn trong hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ... Quan trọng hơn sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường tạo động lực tăng trưởng.
Song, để tận dụng được cơ hội, đòi hỏi Chính phủ và bản thân các DN Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn. Hiệp định CPTPP được ký kết và sớm có hiệu lực là cơ hội nhưng cũng là thách thức với Việt Nam. Thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam là năng lực cạnh tranh, và nguy cơ thất bại của nhiều DN trên chính thị trường nội địa nếu không nhanh chóng và quyết liệt thay đổi cung cách làm ăn. Trong khi khả năng thích ứng của Việt Nam còn kém so với nhiều tiêu chuẩn đặt ra. Ví dụ như, nhiều công nghệ lạc hậu hơn, tổ chức về mặt sản xuất, kiểm soát thị trường còn chưa theo kịp các nước tham gia hiệp định… Bên cạnh đó hàng loạt chính sách cần xây dựng và hoàn thiện.

Hội nhập không chỉ là taxi truyền thống chật vật với uber, grap, trong khi chính sách của chúng ta vẫn lúng túng; việc xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường tiền ảo, điện tử, những vụ kiện chống phá giá, là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm với các DN thủy sản, là xuất xứ hàng hóa với DN dệt may… Với sự mở cửa thị trường theo các cam kết hội nhập và sự tham gia ngày càng nhiều của nhiều DN lớn trên thế giới đã đang và sẽ tiếp tục tạo sức ép cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực. Điều này không chỉ tác động lên mỗi DN Việt mà bản thân bộ máy quản lý Nhà nước cũng phải chịu sức ép cải cách thể chế để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Kinh tế vĩ mô ổn định, luật pháp phải phù hợp với thông lệ quốc tế, không thể “một mình một chợ”, mọi lĩnh vực từ cơ chế về thuế, về tổ chức, về kinh doanh, lao động, những quy định về luật pháp, những cơ chế liên quan cũng phải được thay đổi, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam phải được nâng lên... là những đòi hỏi bắt buộc khi tham gia các hiệp định hợp tác như CPTPP.

“Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế”- đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế vào tháng 12/2017. Chính phủ kiến tạo để tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh tốt hơn để khu vực DN trong nước phát triển lớn mạnh hơn để từ đó tận dụng được thời cơ mà hội nhập kinh tế quốc tế nhất là các hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTTP mang lại.