Cải cách không chỉ mỗi thủ tục hải quan

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Thông tư 119/TT-BTC của Bộ Tài chính được áp dụng từ tháng 9/2014, thủ tục hải quan chỉ còn 14 ngày cho xuất khẩu và 13 ngày cho nhập khẩu thay vì 21 ngày như hiện nay. Tuy nhiên, khoảng cách từ chính sách đến thực thi vẫn còn khá lớn.

Chưa thể có hải quan một cửa quốc gia

Tại Hội thảo Hải quan - Doanh nghiệp thực thi TFA của WTO diễn ra ngày 14/10, một vấn đề được DN quan tâm khi đóng góp vào nội dung "Cải cách thủ tục hải quan qua Hiệp định tạo thuận lợi thương mại WTO" là thực hiện thủ tục hải quan vẫn còn dài, dù cơ quan hải quan đã đưa ra lộ trình cắt giảm ở khâu chuẩn bị hồ sơ. Đơn cử, với hàng xuất khẩu chỉ còn 2 chứng từ là tờ khai và giấy phép (đã bỏ hợp đồng hóa đơn, không phải xuất trình hợp đồng mua bán với cơ quan hải quan). Một số DN bày tỏ chưa hài lòng về cách xác định mã, trị giá tính thuế và xuất xứ hàng hóa của cơ quan hải quan. Bên cạnh đó, quy định của các cơ quan quản lý khác như: Cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng, cơ quan kiểm định, DN kinh doanh kho bãi... là những yếu tố làm chậm quá trình thông quan hàng hóa. Hay đơn như cùng một yêu cầu kiểm tra an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương, Y tế và NN&PTNT lại đưa ra những quy định và tiêu chí khác nhau. "Đã đến lúc cần thay đổi thủ tục hành chính để thay đổi môi trường kinh doanh" - một DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nhận xét.

Triển khai tờ khai điện tử tại Cục Hải quan Hải Phòng.
Triển khai tờ khai điện tử tại Cục Hải quan Hải Phòng.
Ông Nguyễn Toàn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Tổng Cục hải quan (TCHQ) cho biết, theo cam kết của cơ quan hải quan, với hệ thống thông quan điện tử (áp dụng từ 1/4/2014) đến nay, từ lúc tiếp nhận tờ khai báo đến khi phản hồi cho DN chỉ 1 - 3 giây, nhiều nhất là 10 phút. Thời gian kiểm tra thực tế mỗi lô hàng bình thường chỉ 8 giờ, với những lô hàng lớn có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 2 ngày. Thời gian còn lại liên quan đến các ngành khác như cấp giấy chứng nhận chuyên ngành, thời gian thực hiện thủ tục hải quan tại cảng biển... "Chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh thời gian cấp giấy phép cũng như cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm tra để dựa vào đó hải quan đẩy nhanh tiến độ thông quan; Kiến nghị Bộ GTVT đơn giản hóa thủ tục giao nhận tại cảng để tiết kiệm chi phí cho DN" - ông Toàn cho biết.

Như vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành hải quan, rất cần sự tham gia tích cực của các bộ, ngành quản lý khác để giảm thiểu các giấy tờ trong bộ hồ sơ, giảm thời gian và chi phí làm các thủ tục xuất nhập khẩu hàng (thủ tục kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, thủ tục liên quan đến logistics…).

Vấn đề này chỉ được giải quyết triệt để khi thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia theo Quyết định 48/2011/QĐ-TTg. Nhưng đến nay, việc triển khai cơ chế này còn rất khiêm tốn, 3 cơ quan tham gia giai đoạn 1 (TCHQ, Bộ GTVT và Bộ Công Thương) mới thực hiện khai trương kết nối kỹ thuật. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm cơ chế này.

 
Theo tính toán của Tổng Cục hải quan nếu giảm thời gian thông quan 1 ngày, nền kinh tế sẽ tiết kiệm được 1,6 tỷ USD.
DN ưu tiên chưa được... ưu tiên

Hiện nay, TCHQ đã công nhận 24 DN ưu tiên/hơn 50.000 DN có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Sau khi áp dụng chế độ ưu tiên, hàng hóa của những DN này luôn được phân luồng xanh, hàng hóa được nhận ngay sau khi mở tờ khai. Theo tính toán, thời gian để nhận được lô hàng rút ngắn được gần một ngày và tiết kiệm được nhiều chi phí lưu kho, lưu bãi…

Tuy nhiên, chính sách DN ưu tiên vẫn vướng nhiều hạn chế. Đầu tiên, để được chứng nhận, không ít DN phải làm thủ tục trong vài năm. Ngoài ra, chia sẻ của đại diện một DN điện tử lớn cho biết, khi được công nhận là DN ưu tiên sẽ có một vài ưu đãi, chẳng hạn như chính sách giao nhận hàng tại cảng ngày lễ, ngày nghỉ. Tuy nhiên, cán bộ hải quan lại nghỉ lễ, không có người trực thì ưu tiên cũng như không. Vấn đề về thuế cũng chưa được giải quyết triệt để khi những DN ưu tiên vẫn rơi vào tình trạng "treo thuế" và không được ân hạn thuế, dù là một DN lớn nhất nhì về quy mô xuất khẩu trên thị trường.

Theo ông Âu Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Giám sát và Quản lý hải quan (TCHQ), với việc giám sát hàng hóa tại cảng biển thời gian dài, cơ quan hải quan sẽ áp dụng mã vạch (dự kiến 18/10 này áp dụng tại Cục Hải quan Hải Phòng), hy vọng sẽ giảm được thời gian thông quan và giao nhận hàng hóa. Liên quan đến những băn khoăn của DN nộp thuế qua mạng, ông Âu Anh Tuấn cho biết, thời gian tới, ngành hải quan sẽ cải tiến khâu dữ liệu giữa hải quan với kho bạc để đảm bảo trong 15 phút sau khi DN chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng, cán bộ hải quan sẽ nhận được thông báo để thực hiện thông quan cho DN.

 
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về việc thực hiện giảm thời gian thông quan song vẫn bảo đảm kiểm soát, hạn chế được gian lận thương mại, ông Âu Anh Tuấn cho biết, cơ quan hải quan đã áp dụng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng biện pháp quản lý rủi ro với những lô hàng rủi ro cao. Với những lô hàng có độ rủi ro thấp hơn sẽ tăng cường kiểm tra sau thông quan để đánh giá sự tuân thủ của DN.