Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách thể chế để kinh tế tư nhân bứt phá

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng kinh tế năm nay có bứt phá không, ở mức độ nào? Các ý kiến tại Hội thảo “DN tư nhân cùng Chính phủ bứt phá” do VITV tổ chức ngày 15/3, đều tin tưởng tăng trưởng kinh tế năm 2019 sẽ bứt phá cùng với việc Chính phủ đang thúc đẩy, tạo cảm hứng cho DN.

Dư địa hàng triệu tỷ đồng mỗi năm
Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Hữu Nghĩa cho hay, từ lâu, Việt Nam đã chuyển đổi mô hình phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu và đang tiếp tục đẩy mạnh. Tăng trưởng kinh tế dựa vào 3 trụ cột là DN Nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN tư nhân trong nước. DN Nhà nước đang dần bị thu hẹp, khu vực FDI mỗi năm thu hút hơn 10 tỷ USD/năm, riêng năm 2018 lên tới 19 tỷ USD. Duy nhất là tăng trưởng kinh tế tư nhân còn nhiều dư địa.
 Lắp ráp ô tô tại Huyndai Thành Công.
Đánh giá về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định, kinh tế tư nhân với số lượng ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn đang đóng vai trò quan trọng đối với việc gia tăng tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh đó, những tín hiệu mới tích cực đã và đang cho thấy việc phát triển kinh tế tư nhân đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Cụ thể, các lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ lệ cao. Lĩnh vực công nghệ thông tin dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc mạnh trong những năm tới. Nhiều tập đoàn kinh tế sau thời gian tích lũy vốn, nâng cao trình độ công nghệ, nguồn nhân lực đã chuyển hướng kinh doanh sang các ngành công nghiệp tương lai thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0…

Sự kiện "VITV Đối thoại: DN tư nhân cùng Chính phủ bứt phá 2019" tạo diễn đàn mở để DN chia sẻ tâm tư, nguyện vọng đề xuất kiến nghị để cùng "bứt phá" với Chính phủ. Chương trình có sự tham gia của hơn 300 khách mời, đến từ các Cơ quan quản lý (Ban Kinh tế Trung ương, NHNN, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ công thương..), các Tổ chức nước ngoài tại Việt Nam (IFC, Eurocham, các Đại sứ quán..), Các Viện nghiên cứu kinh tế chính sách, và đáng chú ý là sự góp mặt của đông đảo DN Việt Nam, đặc biệt là khối DN tư nhân.

Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 10 năm lên sóng của VITV, lấy ý tưởng từ Tọa đàm “Đối thoại” – một trong những chuyên đề tối chủ nhật hàng tuần được yêu thích nhất trên Kênh truyền hình Kinh tế - Tài chính VITV trong suốt 10 năm qua. VITV mong muốn trở thành cầu nối giữa các nhà hoạch định chính sách và DN, là nơi cơ quan quản lý tiếp nhận, phản hồi thông tin và tháo gỡ vướng mắc cho DN, là Kênh tư vấn chính sách hiệu quả cho các nhà hoạch định.

“Kinh tế tư nhân đang trên đà tăng trưởng, số DN mới thành lập năm sau nhiều hơn năm trước, số vốn của người dân đưa vào kinh doanh đạt hàng triệu tỷ đồng mỗi năm. Chưa kể, phong trào khởi nghiệp đang rất sôi động, thu hút hàng vạn người trẻ tuổi có ý chí, hoài bão, sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm tham gia” - ông Kiên chia sẻ.
Kinh tế tư nhân trước cơ hội mới
Các số liệu thống kê cho thấy, doanh thu, lợi nhuận của khu vực kinh tế tư nhân trong nước đều tăng khá cao, nhưng đóng góp vào GDP lại thấp, khiến vai trò, hình ảnh của khối DN tư nhân vẫn chưa có được vị trí xứng tầm. Từ thực tế trên, nhiều đại biểu dự hội thảo thống nhất nhận định, để phát triển DN Việt Nam nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng cần giải quyết 3 vấn đề: Cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách DN Nhà nước, hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Chủ tịch HĐQT Vinaconex Đào Ngọc Thanh cho rằng, Chính phủ cần tạo cơ chế và bản thân DN tư nhân cần có đủ trình độ quyết tâm. “Năm 2017, khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bán trên 20% vốn của Vinaconex trên sàn chứng khoán nhưng không ai mua.
Bản thân Nhà nước không muốn bán ngay, chỉ thực hiện bán từng phần vì thế không tạo sự bứt phá cho DN; sang năm 2018 Nhà nước bán toàn bộ cổ phiếu của Vinaconex, cuộc đấu thầu rất thành công, Nhà nước thu về gần 10.000 tỷ đồng. Sang năm 2019, Vinaconex xây dựng cho tăng trưởng 50%, lợi nhuận tăng trưởng 30%. Nhưng để làm được điều đó cần nhiều cơ chế thu hẹp DN Nhà nước để tạo ra nhiều sự bứt phá” - ông Thanh chia sẻ.
 Các đại biểu tham gia hội thảo.
Chính phủ thấu hiểu nhưng Bộ ngành, địa phương chưa chuyển mình
Chính phủ đang thúc đẩy, tạo cảm hứng cho DN, song cũng nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự đồng bộ trong bộ máy từ trên xuống dưới. Thực tế vẫn còn tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề, chồng chéo gây khó khăn cho DN trong quá trình kinh doanh.
Vấn đề tiếp cận đất đai, thủ tục GPMB rất phức tạp, giá thuê đất thì cao mà để cấp phép thì thủ tục khó, nan giải; phương pháp tính giá đất phức tạp và thông tin quy hoạch không rõ ràng, chồng chéo… Vấn đề thị trường, quản lý chất lượng hàng hóa thiếu hiệu quả. Một rào cản nữa là các chi phí kinh doanh rất cao như logistic, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, lãi suất…
 Phiên tọa đàm do bà Bùi Thị Phương Chi - Giám đốc kênh truyền hình Kinh tế tài chính VITV với vai trò là người điều phối
Đề xuất cơ chế để khuyến khích DN tư nhân sinh sôi và phát triển, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho rằng, cần xác định các DN hoạt động tại lĩnh vực trọng yếu của đất nước để dồn sức hỗ trợ.
“Cơ quan quản lý cần có cơ chế chính sách để thu hút các DN lớn, giàu nguồn lực tham gia thị trường, thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển các DN đầu tư vào lĩnh vực mũi nhọn và thiết yếu cho cuộc sống như nông nghiệp công nghệ cao, tăng sức cạnh tranh với các tập đoàn quốc tế ”- ông Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.

"Đến hết 2018, đóng góp của DN tư nhân chiếm 42% GDP của cả nước. Mục tiêu đến năm 2020 nước ta có 1 triệu DN, 2030 có khoảng 2 triệu DN tư nhân, đóng góp 60 - 65% GDP. Vấn đề quan trọng vẫn là chất lượng và cơ cấu của DN. Cơ hội lớn lên của DN tư nhân Việt Nam đang hội tụ từ sự cộng hưởng của 3 làn sóng gồm cải cách thế chế, hội nhập và kinh tế số. " - Phó Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Hữu Nghĩa


"Chính phủ đóng vai trò quan trọng tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, nhưng sự sáng tạo của DN mới đem lại sự phồn vinh cho nền kinh tế. Khi DN chủ động xây dựng chính sách, đưa ra các cam kết hành động là tín hiệu quan trọng. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng, đòi hỏi Chính phủ và DN phải liên tục cải cách, bứt phá. " - Giám đốc quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế IFC Kyle Kelhofer