Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách thể chế - động lực cho tăng trưởng

Trần Long – Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội thảo Cơ hội đầu tư – kinh doanh 2018 ngày 5/1, các chuyên gia đánh giá, kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn có xu thế phục hồi chứ không phải giai đoạn tăng trưởng bền vững có tính lâu dài. Làm cách nào để tăng trưởng cao, nhanh nhưng bền vững là nội dung thảo luận tại hội nghị.

GDP tăng nhưng thu nhập người dân vẫn thấp

Chỉ ra những tồn đọng hạn chế của nền kinh tế, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích, một số biểu đồ cho thấy gánh nặng chi phí cho DN, chi phí logistics cao, 18% của GDP, trong khi trung bình thế giới chỉ là 11% GDP. “Gánh nặng này không dễ tí nào. Bộ Công Thương, tác giả của 675 thủ tục mới chỉ đề xuất giảm, còn chưa giảm được. Tác động của việc cắt giảm thủ tục trong năm 2018 như thế nào chúng ta còn phải chờ xem. Một con số điển hình hiện nay là theo thống kê, năm 2010, có 70% DN đóng thuế thu nhập, còn tới năm 2015 là 30%” - ông Thiên đánh giá.

Theo ông Trần Đình Thiên, việc quan trọng hơn con số tăng trưởng 6,81% dường như là việc nền kinh tế xác lập được động thái tăng trưởng mới. Cái quan trọng là mục tiêu tái cơ cấu.
 Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Nguyễn Khánh
“Tôi đồng tình với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi cho rằng dù chúng ta cố gắng rất nhiều nhưng GDP trên đầu người gần 2.400 USD vẫn còn chưa cao. Trong ASEAN, GDP của Indonesia đã vượt quá 1.000 tỷ USD, trong khi GDP của Việt Nam chỉ có 220 tỷ USD. Hy vọng những thành tựu kinh tế 2017 sẽ trở thành tiền đề vững chắc cho năm 2018 và tiếp theo" - GS Nguyễn Mại Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài chia sẻ quan điểm.

Kỳ vọng chính sách

Theo ông Đặng Huy Đông - Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, yếu tố tích cực nhất chính là Chính phủ cải cách được môi trường kinh doanh. Chính phủ đã có nỗ lực thay đổi môi trường kinh doanh và có hiệu ứng tích cực thực sự. “Người ta nói “trên nóng dưới vẫn lạnh” nhưng thật ra đang nóng dần lên. Đây là thời điểm chúng ta phải đủ bản lĩnh để đưa nền kinh tế tăng tốc. Những nền kinh tế như Nhật Bản, Đài Loan có những giai đoạn tăng trưởng đạt từ 8 - 9%. Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để chúng ta có thể duy trì tốc độ tương tự từ 8 - 9% trong 10 năm. Nên đặt ở góc độ DN để lường trước các rủi ro như thế nào trong hoàn cảnh sắp tới" - ông Đông nhấn mạnh.

Về mặt chính sách, theo ông Trần Đình Thiên tới đây sẽ cần đẩy mạnh một số vấn đề trong năm 2018. Đó là Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, tạo đột phá mạnh trong phân cấp, phân quyền nhưng không dễ dàng khi áp dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, cần bàn lại Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để ban hành trong tháng 5 này, khi đó sẽ có tác động mở cửa, đột phá mạnh nhất. Thứ hai, cần có các Nghị quyết để giải quyết nợ xấu, đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN, sở hữu chéo ngân hàng. Những biện pháp này là để tăng mạnh đầu tư tư nhân, tạo điều kiện DN tư nhân phát triển nâng cao nội lực cho nên kinh tế, tăng năng suất lao động, đổi mới công nghệ… Ông Thiên nhấn mạnh: “Đổi mới về thể chế, cơ chế rất quan trọng, sẽ tạo niềm tin cho năm 2018. Dự báo có thể tích cực, con số rất cao nhưng căn cứ theo năm 2017 thì dự báo năm 2018 sẽ rất cao do FDI, đầu tư tư nhân tăng cao. Nhưng kinh nghiệm giải ngân chậm năm 2017 là bài học của Chính phủ”.

Đứng ở góc độ chính sách tiền tệ, TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá, do chi phí quá cao của chính quyền đều là nguyên nhân làm lãi suất ngân hàng cao. “Cần tập trung nguồn lực để giảm lãi suất. Kỳ vọng năm 2018 là năm hành động chính sách và tiền tệ nhằm vào mục tiêu dài hạn”.

2018 là năm phân khúc bất động sản trung cấp tỏa sáng

Đáng chú ý, tại phiên tọa đàm với chủ đề “Tài chính và bất động sản: Bối cảnh mới mở cơ hội mới”, ông Dương Đức Hiển – Giám đốc bộ phận kinh doanh nhà ở Savills Hanoi cho biết, đối với thị trường bất động sản, 2017 là năm có nhiều thành công, đặc biệt ở phân khúc cao cấp. Ngoài ra, đối với phân khúc trung cấp và thấp cấp có tỷ lệ hấp thụ tốt. Đặc biệt, 2017 là năm sản phẩm mới bất động sản condotel (khách sạn căn hộ), các hạng mục được nhà đầu tư quan tâm. Theo nhận định của ông Hiển, 2018 là năm phân khúc trung cấp toả sáng ở thị trường Việt Nam bởi nguồn cầu cao, số lượng người có nhu cầu mua nhà thực rất lớn.

Kết quả đánh giá khảo sát ý kiến của các chuyên gia, diễn giả tại hội nghị, trên 50% chọn phương án GDP năm 2018 tăng 6,7 - 7%, lạm phát mức 4%, tăng trưởng tín dụng trong khoảng 19% đổ lại, lãi suất ổn định, giảm nhẹ, tỷ giá giao động động nhẹ 2 - 3%. Kiểm soát tín dụng với bất động sản sẽ như năm 2017, không siết vào nhưng cũng không nới lỏng làm bùng nổ.