Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách tiền lương: Bảo đảm cán bộ, công chức sống bằng lương

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chính sách tiền lương hiện chưa theo kịp đời sống kinh tế - xã hội. Việc cải cách tiền lương cho công chức đang là đòi hỏi cấp thiết.

Như báo Kinh tế & Đô thị đưa tin, tại Hội thảo “Định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức” giai đoạn 2013 - 2020 do Bộ Nội vụ và Chương trình Phát triển LHQ vừa tổ chức, nhiều chuyên gia, các nhà quản lý đều nhận định: Chính sách tiền lương hiện chưa theo kịp đời sống kinh tế - xã hội. Việc cải cách tiền lương cho công chức đang là đòi hỏi cấp thiết. Để rộng đường dư luận, Báo Kinh tế & Đô thị tiếp tục đưa ý kiến xung quanh vấn đề này.

Ông Đặng Như Lợi Nguyên Phó Chủ nhiệm Các vấn đề xã hội của Quốc hội:

Cụ thể hoá chế độ lương với từng đối tượng

Việc đưa ra mục tiêu “Cán bộ, viên chức đủ sống bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội” là mơ hồ vì khái niệm "mức sống trung bình khá trong xã hội" là gì, do ai xác định và cách xác định ra sao? Vì thế, cần cụ thể hoá về chế độ lương cho người được hưởng chứ không thể quy định quá chung chung. Tiền lương của công chức phải là nguồn thu chính đảm bảo cuộc sống của bản thân, gia đình họ, giúp họ yên tâm làm việc, thay vì phải làm thêm những việc ngoài chuyên môn hay trông chờ vào các khoản thu nhập khác

Ông Đoàn Cường Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Bộ Nội vụ:

Phải giải quyết mối quan hệ tiền lương và thu nhập của thị trường

Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương của cán bộ công chức phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương, thu nhập của thị trường. Nếu không thỏa mãn tốt quan hệ này sẽ xảy ra hội chứng “tước đoạt để bù đắp” trong thực thi công việc, dẫn đến tiêu cực, tăng dòng dịch chuyển lao động từ khu vực nhà nước ra khu vực thị trường. Để có nguồn cải cách tiền lương sẽ tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% kinh phí quản lý hành chính. Sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương để gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí, sử dụng biên chế, ngân sách.

Ông Ngô Văn Tuyến Trưởng phòng Chính sách pháp luật, LĐLĐ TP Hà Nội:

Tăng lương phải đi kèm ổn định giá cả

Theo tôi, chủ trương điều chỉnh lương là cần thiết, chắc chắn được nhiều người hoan nghênh. Bởi thực sự nếu tính bậc lương thấp nhất của công chức là 2,34 nhân với 830.000 đồng/tháng khó mà đủ sống, nhất là ở thành phố lớn như Hà Nội. Nhưng cái mà tôi cũng như anh em làm công tác công đoàn mong muốn là các cơ quan chức năng cần làm rõ những yếu tố liên quan đến vấn đề tăng lương như ngân sách, lộ trình... Nhưng dù tăng ở mức nào, cũng cần phải làm song song với việc kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả, ổn định đời sống.

Trần Thị Hoa Cán bộ trường ĐH Công nghiệp Hà Nội:

Cần lộ trình có tính bền vững

Tôi rất đồng tính với ý kiến ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội đưa ra là tiền lương của cán bộ công chức mặc dù do Nhà nước trả từ ngân sách, song cải cách tiền lương phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương, thu nhập khu vực thị trường. Hơn nữa, tăng lương cán bộ công chức cũng nên tính đền các vấn đề liên quan như: phụ cấp, thâm niên, tiền lương gắn với chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, thang bảng lương... Đặc biệt, cần tính đến yếu tố bền vững trong tương lai.

Tạ Minh Lý Cán bộ Hội Luật gia Việt Nam:

Cải cách tiền lương phải gắn với cải cách hành chính

Tôi tán thành cao với đề xuất của Bộ Nội vụ về tăng lương cho cán bộ, viên chức bởi coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực để phát triển kinh tế. Tiền lương thấp nhất của CBCC phải đủ sống và là nguồn thu nhập chính của họ. Trả tiền lương theo vị trí công việc và hiệu quả công tác và có chính sách thu hút và giữ nhân tài.