Cái nhìn đa chiều qua hồ sơ các thành phố

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/11, tại hội thảo "Xây dựng Bộ chỉ số đô thị thịnh vượng" do 3 đơn...

Kinhtedothi - Ngày 12/11, tại hội thảo "Xây dựng Bộ chỉ số đô thị thịnh vượng" do 3 đơn vị đồng tổ chức là Diễn đàn Đô thị Việt Nam, Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng và UN-habitat (Tổ chức Định cư con người Liên Hợp quốc tại châu Á), cuốn sách "Hồ sơ các thành phố Việt Nam" đã chính thức được ra mắt.

 Việc xây dựng các chỉ số cũng như lập hồ sơ đô thị là những nỗ lực nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu từ đó giúp các đô thị xác định mục tiêu, nâng cao năng lực, tạo sức cạnh tranh cho các đô thị. Tại hội thảo, các tỉnh, TP đã được UN-habitat trao tặng cuốn sách "Hồ sơ các thành phố Việt Nam".
Một góc TP Hà Nội.   Ảnh: Huy Hùng
Một góc TP Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng
Bức tranh của 78 đô thị

"Hồ sơ các thành phố Việt Nam" được xây dựng dựa trên cấu trúc Bộ chỉ số đô thị của UN-habitat gồm 96 chỉ tiêu với số liệu được thu thập tại 78 TP là thành viên của Hiệp hội Các đô thị Việt Nam. Dự thảo của Hồ sơ đã được gửi tới UBND các TP, thị xã để tham vấn và rà soát. Qua quá trình triển khai, các bên đều ghi nhận việc xây dựng hồ sơ hiện trạng đô thị đa chiều có ý nghĩa quan trọng và giúp việc quản lý, xây dựng đô thị tốt hơn. Một thách thức lớn khi lập Hồ sơ đó là số liệu thu thập vẫn chưa đồng nhất và chưa được lượng hóa một cách chính xác. Điều này khiến cho việc tổng hợp, phân tích dữ liệu gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến phản ánh hiện trạng ở một số lĩnh vực như kinh tế, đất đai, hạ tầng, y tế, giáo dục.

Dù chưa thực sự đầy đủ, nhưng qua bức tranh của 78 đô thị, có thể thấy các TP, thị xã đang thúc đẩy xây dựng, cải tạo và mở rộng cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống nước sạch, thoát nước, điện… Thu nhập bình quân đầu người có chuyển biến tích cực, phản ánh khả năng tăng trưởng kinh tế của các đô thị. Các TP đã bắt đầu chú trọng đến nhu cầu của người dân về giáo dục và y tế. Tuy nhiên, tại các TP lớn những dịch vụ này vẫn đang ở tình trạng quá tải, không có khả năng kiểm soát về chất lượng.

Ông Nguyễn Quang - Giám đốc  UN-Habitat tại Việt Nam cho rằng, việc thiết lập hệ thống chỉ tiêu đô thị với những giám sát, đánh giá đa chiều sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, quản lý đô thị đánh giá "sức khỏe" của từng đô thị cũng như toàn bộ hệ thống đô thị Việt Nam một cách toàn diện và sâu sắc. Đây cũng là cơ sở, bằng chứng thiết thực, hữu ích để đưa ra các đánh giá xác thực phục vụ dự báo xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển đô thị một cách bền vững; giúp các TP, thị xã giải quyết tốt các thách thức của quá trình đô thị hóa. Trong tương lai, "Hồ sơ các thành phố Việt Nam" sẽ được tiếp tục cập nhật thông tin, dữ liệu và tiếp tục mở rộng số lượng các TP, thị xã khác trong hệ thống đô thị Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam có hơn 760 đô thị, bao gồm từ loại V đến loại đặc biệt.

Xây dựng “Bộ chỉ số đô thị thịnh vượng”

Cùng với việc ra mắt "Hồ sơ các thành phố Việt Nam", các bên liên quan đã giới thiệu, trao đổi xung quanh vấn đề xây dựng "Bộ chỉ số đô thị thịnh vượng". Theo kế hoạch, năm 2015, Bộ chỉ số sẽ được hoàn thiện và áp dụng thử. Tiếp đến, vào năm 2016, Bộ chỉ số sẽ được lồng ghép vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê của Bộ Xây dựng.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Xây dựng hiện có 33 chỉ tiêu. Trong đó, riêng nhóm chỉ tiêu về phát triển đô thị và nông thôn có tới 15 chỉ tiêu; về quản lý đầu tư xây dựng có 9 chỉ tiêu; về nhà ở và bất động sản có 8 chỉ tiêu; về vật liệu xây dựng có 1 chỉ tiêu. Một số chỉ tiêu đang được tổng hợp theo dõi như chỉ tiêu tỷ lệ chất thải rắn thu gom, đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; chỉ tiêu số lượng sàn giao dịch BĐS; chỉ tiêu tỷ lệ dân số thành thị được cung cấp nước sạch. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu đã thu thập nhưng chưa đầy đủ như: chỉ tiêu tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị; chỉ tiêu tổng số căn hộ và diện tích nhà ở xã hội hoàn thành... Một số chỉ tiêu đang trong giai đoạn triển khai thực hiện nhưng gặp khó khăn như chỉ tiêu số lượng và giá trị giao dịch kinh doanh BĐS qua sàn. Chỉ tiêu chỉ số giá BĐS cũng mới chỉ áp dụng thí điểm tại 4 địa phương, trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ.