Cái nhìn sâu hơn về di sản

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, nhiều người đã biết đến “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam” (ngày 23/11/1945 gắn với sự kiện Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Nội dung Sắc lệnh phản ánh những tư tưởng, quan điểm cơ bản, sâu sắc đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”.
Ngược lại thời gian, Sắc lệnh ra đời trong hoàn cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đang gặp vô vàn khó khăn về giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, đất nước đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhưng là nhà văn hóa lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, các dân tộc ở Việt Nam có một quá trình gắn bó và một ý thức dân tộc được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử dựng và giữ nước. 54 dân tộc, mỗi dân tộc ở Việt Nam đều có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt. Sắc lệnh số 65/SL của Chính phủ Lâm thời khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”.
Sắc lệnh kế thừa, giữ nguyên các luật lệ về bảo tồn đã có trước đây; “Cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”; “Chính phủ công nhận nguyên tắc những khoản trợ cấp hàng năm của toàn quốc, của mỗi kỳ hay mỗi tỉnh cho Đông Phương Bác cổ Học viện”...

Sắc lệnh tuy ngắn gọn, súc tích, ra đời đến nay đã 75 năm, nhưng nó đã phản ánh đầy đủ những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa. Thực tế, cho đến nay Sắc lệnh vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn, nhằm phát huy các giá trị di sản văn hóa của đất nước. Đó là quan điểm về vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nó là kim chỉ nam trong phát triển văn hóa, của tất cả các đối tượng điều chỉnh trong Sắc lệnh bao gồm trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và mỗi công dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa...

Cách đây 15 năm (2005), Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23 tháng 11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam” với mục đích “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Việc chúng ta có “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam” chính là để: Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; Tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Khi đã thấu hiểu, tự khắc người ta biết rằng việc bảo vệ và phát triển di sản văn hóa Việt Nam không phải là việc của riêng ai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần