Cải tạo, chỉnh trang đô thị: Đẩy mạnh nguồn lực xã hội hóa

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quá trình đô thị hóa thời gian qua, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng kể, hệ thống đô thị phát triển nhanh chóng, hạ tầng kiện toàn hiện đại. Nhưng trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều hạn chế: Thiếu kinh phí, hạ tầng đầu tư không đồng bộ, hiệu quả sử dụng đất đô thị chưa cao... Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần phải đẩy mạnh sự tham gia của thành phần kinh tế tư nhân trong công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Nhiều vướng mắc nảy sinh
GS.TS.KTS Nguyễn Tố Lăng đánh giá, những năm gần đây, hệ thống đô thị Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. Năm 1999, cả nước chỉ có 629 đô thị (mức độ đô thị hóa 23,7%), đến cuối năm 2019, tổng số đô thị là 835 (mức độ đô thị hóa 39,2%), định hướng phát triển đến năm 2025, cả nước có khoảng 1.000 đô thị (mức độ đô thị hóa chiếm khoảng 50%).
Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa xuất hiện nhiều hạn chế, như: Hệ thống cơ sở pháp lý chồng chéo, nhiều văn bản quy phạm pháp luật không thống nhất. Việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý xây dựng thiếu kịp thời; Sử dụng đất đai chưa hiệu quả. Dân số, dòng dịch cư từ nông thôn vào đô thị ngày càng tăng, khó kiểm soát, trong khi kết cấu hạ tầng không theo kịp gây nên sức ép quá tải.
Cần huy động nhiều hơn nguồn lực từ thành phần kinh tế tư nhân tham gia cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Đô thị được nâng hạng nhưng cũng “nợ” những chỉ tiêu phổ biến, nhiều khoản nợ không trả được, như dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp... Cùng với đó, phương pháp, quy trình lập quy hoạch, mô hình phát triển đô thị chưa được đề xuất rõ ràng, đáp ứng nhu cầu phù hợp với bối cảnh của địa phương, vùng, miền khác nhau, chất lượng một số đồ án quy hoạch đô thị còn thấp... Ngoài ra, việc huy động nguồn lực cho phát triển đô thị không đủ để thực hiện kế hoạch, quy hoạch hiện hành một cách hiệu quả, dẫn tới nhiều dự án bị kéo dài gây lãng phí nguồn tài nguyên...
“Một trong những hạn chế nổi cộm là hệ thống kết cấu hạ tầng chưa hoàn chỉnh, không đồng bộ, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Khu vực đô thị đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường xảy ra nghiêm trọng. Tắc nghẽn giao thông trở nên phổ biến ở đô thị lớn. Hệ thống cây xanh, công viên, hạ tầng kỹ thuật khác không đáp ứng yêu cầu của người dân đô thị. Thiếu kinh phí lập bản đồ cảnh báo thiên tai cho các chủ đầu tư...” – GS.TS.KTS Nguyễn Tố Lăng nhìn nhận.
Tăng cường nguồn lực tư nhân
Nhiều chuyên gia quản lý đô thị nhìn nhận, hiện nay, do nguồn ngân sách Nhà nước eo hẹp, nên việc thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị từ ngân sách rất khó khăn. Do đó, cần phải nhìn nhận một cách khách quan xã hội hóa trong đầu tư mới là nguồn lực lớn nhất, nhưng ngân sách Nhà nước rất quan trọng giữ vai trò vốn mồi để huy động nguồn vốn xã hội tham gia thực hiện.
Trước thực trạng đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh kiến nghị một số giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ thành phần kinh tế tư nhân tham gia trong công cuộc xã hội hóa công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị, gồm: Kết hợp phương thức đối tác công – tư (PPP), giao thẩm quyền cho cấp tỉnh quyết định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương; Kết hợp Nhà nước – Nhân dân cùng làm, dân tự bỏ tiền, tự quản lý, tự thực hiện, thụ hưởng công trình, chính quyền cơ sở tham gia giám sát; Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, tạo điều kiện để chủ sở hữu nhà chung cư thực hiện lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư gắn liền với cải tạo, chỉnh trang đô thị; Nhà nước chủ trì điều hành dự án di dời, tái định cư ở khu các vực xuống cấp, thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị...
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, một trong những nguồn lực xã hội hóa quan trọng là phương thức đầu tư BT, đối với các nước trên thế giới khi nhà đầu tư thực hiện xong, Nhà nước nhận sản phẩm, thanh toán bằng tiền, kiểu mua sắm tài sản công, công trình BT mang đúng bản chất là sản phẩm hàng hoá. Ở Việt Nam bị “biến tướng” do trước đây Nhà nước cho phép thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc để nhà đầu tư thực hiện dự án khác đạt lợi nhuận rất lớn, thậm chí “siêu lợi nhuận”, dẫn đến thất thoát tài sản công, thất thu ngân sách. Nhưng lỗi do quy định pháp luật, cơ chế chính sách chưa chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ và những yếu kém trong khâu tổ chức thực hiện.
Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp đánh giá, bản chất của những dự án đầu tư theo phương thức BT là rất tốt, giúp Nhà nước huy động được nguồn lực xã hội lớn để phục vụ công tác cải tạo, thiết kế và xây dựng đô thị. "Việc sử dụng các hợp đồng BT gây ra nhiều bất cập thời gian qua là hệ quả của một cơ chế quản lý chưa hiệu quả, tôi cho rằng trong quá trình đô thị hóa cần phải đẩy mạnh, sử dụng tối đa sức mạnh từ thành phần kinh tế tư nhân, trong đó có phương thức BT” - ông Nguyễn Thế Điệp nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sau khi xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, để bịt kín lỗ hổng, bất cập nên tiếp tục triển khai phương thức BT. Nhưng quỹ đất sạch phải đưa ra đấu giá công khai, Nhà nước thu được giá trị theo đúng giá thị trường, vừa có nguồn vốn ngân sách thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT, vừa kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, loại trừ cơ chế xin - cho, tham nhũng tiêu cực... Để từ đó, cơ sở hạ tầng được phát triển khớp nối, đồng bộ, đóng góp mạnh vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị bền vững hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần