Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy đến năm 2020.
Tập trung giảm ô nhiễm tại Hà Nội
Lưu vực sông Nhuệ - Đáy có tổng diện tích 7.665km2, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của 5 tỉnh, TP gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hòa Bình. Theo kế hoạch, trong năm 2015 - 2016, UBND TP Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, cải tạo chất lượng nước các ao, hồ nội thành; thí điểm xử lý nước thải cho các làng nghề chế biến tinh bột sắn xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai), làng nghề mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu - Hoài Đức, làng nghề xương sừng Thụy Ứng - Thường Tín, cơ kim khí Rùa Hạ - Thanh Oai. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng Khu xử lý rác thải Xuân Sơn - Sơn Tây (giai đoạn 2); đầu tư xây dựng các Khu xử lý rác thải Núi Thoong (giai đoạn 2 là 10,4ha), Đan Phượng (5ha); Lại Thượng - Thạch Thất (15ha). Đồng thời, nạo vét, khơi thông dòng chảy, làm sống toàn bộ dòng sông Đáy từ đập Đáy đến Ba Thá; nạo vét sông Nhuệ, chỉnh trang sông Nhuệ đoạn Hà Đông - Liên Mạc, nâng cấp đê sông Nhuệ, sửa chữa, nâng cấp các cống Lương Cổ, Nhật Tựu…
Đến năm 2020, UBND TP Hà Nội được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn
thiện các công trình xử lý nước thải thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy (gồm các nhà máy xử lý nước thải tập trung trên địa bàn TP). Đồng thời, đầu tư xây dựng bãi đổ phế thải xây dựng tại các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín (vốn ngân sách TP); Khu xử lý rác thải Đồng Ké, Chương Mỹ (nguồn vốn xã hội hóa).
Tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế
Để phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm, cơ quan chức năng của các địa phương liên quan cần triển khai các dự án trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Theo đó, xây dựng, thực hiện các dự án đầu tư về cải tạo, phục hồi môi trường hồ, ao, kênh, mương và các đoạn sông trong các đô thị, khu dân cư. Trong đó, chú trọng gắn quy hoạch chỉnh trang đô thị với việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống tiêu thoát nước thải, nước mưa và xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Đồng thời, xác định ranh giới diện tích các hồ, kênh mương, đoạn sông trong các đô thị, khu dân cư và tiến hành kè bờ, chấm dứt tình trạng lấn chiếm, san lấp trái phép…
Theo đánh giá của Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy, công tác BVMT trên lưu vực 2 con sông này trong thời gian qua đã được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác thanh, kiểm tra, xử lý các cơ sở xả thải gây ô nhiễm môi trường được đẩy mạnh và thực hiện khá quyết liệt. Các tỉnh, TP trên lưu vực sông và các bộ, ngành đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ để thực hiện các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, đây là Đề án tổng thể có tính liên vùng, liên ngành, do đó, để thành công phải có sự phối hợp liên ngành, liên vùng một cách thống nhất và đồng bộ.
Kế hoạch cũng yêu cầu, các tỉnh, TP phải đẩy mạnh công tác phối hợp và hợp tác nhằm tận dụng kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật cho phát triển kinh tế và BVMT, đồng thời thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức phi chính phủ để học hỏi, tận dụng các kinh nghiệm, sự trợ giúp của bạn bè quốc tế trong BVMT lưu vực sông nói chung và áp dụng thực tế trên địa bàn tỉnh, TP thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Ngoài ra, xây dựng các dự án nghiên cứu khoa học có sự đầu tư của tổ chức trong nước và quốc tế về BVMT lưu vực sông, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Sông Nhuệ đoạn chảy qua xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Ảnh: Phạm Hùng
|
Trong thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội, Ban Chỉ đạo triển khai Đề án BVMT sông Nhuệ - Đáy đã tích cực triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường trên lưu vực này như các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn; xử lý nước thải khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên lưu vực; xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề; đầu tư cải tạo nạo vét, cải tạo hệ thống thuỷ lợi, dự án thoát nước liên quan đến sông Nhuệ - Đáy. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang sông Nhuệ - Đáy… Ông Phạm Văn Khánh Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội |