Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ: Nói đi đôi với làm

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Mấy ngày gần đây, người dân Thủ đô, đặc biệt là những người đang sinh sống trong căn hộ tập thể, chung cư cũ (CCC) xuống cấp vô cùng phấn chấn trước việc Thường trực HĐND TP Hà Nội thống nhất thông qua gói ngân sách tạm cấp 128 tỷ đồng để phục vụ công tác kiểm định CCC.

Điều này cũng thể hiện tinh thần “nói đi đôi với làm” của lãnh đạo TP.

Nỗi lo được giải tỏa

Bà Bùi Thị Huệ, trú tại khu tập thể Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, khu tập thể này được xây dựng từ những năm 1960 – 1970, gia đình bà đã sinh sống tại nơi đây nhiều năm qua.

Một khu chung cư cũ trên phố Ngọc Khánh. Ảnh: Thanh Hải
Một khu chung cư cũ trên phố Ngọc Khánh. Ảnh: Thanh Hải

Từ năm 2010, người dân đã có kiến nghị chính quyền về việc cải tạo, xây dựng lại do nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng, nhưng hơn 10 năm qua gặp vướng mắc nên công tác cải tạo, xây dựng lại vẫn chưa được triển khai. Người dân vì điều kiện kinh tế hạn hẹp nên vẫn phải chấp nhận “sống chung với lũ” bám trụ tại những căn hộ không bảo đảm chất lượng.

“Suốt hơn 10 năm qua đã có tới 3 DN được UBND TP Hà Nội chấp thuận việc nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết để cải tạo lại khu tập thể Quỳnh Mai, nhưng đến thời điểm này công tác triển khai vẫn giậm chân tại chỗ. Khi biết thông tin TP Hà Nội tạm cấp kinh phí để thực hiện công tác kiểm định, đánh giá chất lượng nhà tập thể, CCC chúng tôi rất vui mừng vì nỗi lo phải sống trong những căn hộ không bảo đảm an toàn sắp được giải tỏa.

Mặc dù khu vực chúng tôi đang ở chưa nằm trong danh sách ưu tiên triển khai trong đợt này, nhưng chúng tôi tin tưởng vào tinh thần "nói đi đôi với làm" của chính quyền TP” – bà Huệ chia sẻ.

Theo báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có 1.579 nhà tập thể, CCC chủ yếu được xây dựng trong giai đoạn 1960 - 1994 và trước năm 1954, tập trung chủ yếu ở các quận lõi: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân... Qua nhiều thập kỷ, hầu hết CCC đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành. Đồng thời trong quá trình sử dụng người dân sửa chữa cơi nới tự phát làm biến đổi cấu trúc, hệ thống hạ tầng đi kèm cũng bị hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản Nhân dân.

Xác định công tác cải tạo, xây dựng lại CCC là nhiệm vụ trong tâm theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI tháng 7 vừa qua, đã thông qua Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội, giai đoạn 2021 – 2030, xác định rõ mục tiêu triển khai cải tạo, xây dựng lại 10 khu CCC.

Đồng thời, HĐND TP cũng thông qua việc bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ CCC theo các đối tượng, phân loại quy định của Nghị định số 69/NĐ-CP. Ưu tiên kiểm định trước đối với CCC nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng, phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định cho tất cả CCC trên địa bàn TP trong quý II/2023. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 2, HĐND TP cũng chính thức thông qua Đề án Cải tạo, xây dựng lại CCC trên địa bàn TP Hà Nội.

Cần sử dụng hợp lý nguồn ngân sách

Để hiện thực hóa công tác triển khai cải tạo, xây dựng lại CCC theo Chương trình phát triển nhà ở và Đề án cải tạo, xây dựng lại CCC đã được HĐND TP thông qua, mới đây, Thường trực HĐND TP chính thức thông qua gói ngân sách tạm cấp trị giá 128 tỷ đồng trích từ nguồn điều hành tập trung ngân sách TP năm 2022 cho các quận, huyện để rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng của các khu tập thể, CCC phục vụ công tác cải tạo, xây dựng lại.

Trên thực tế, công tác cải tạo, xây dựng lại CCC đã được TP Hà Nội đưa ra cách đây hơn 20 năm, nhưng mới chỉ có 1% CCC hoàn thành xây dựng lại do chưa thống nhất được 3 nhóm lợi ích (người dân, DN và Nhà nước). Cùng với đó là những vướng mắc về quy định pháp lý, nên DN mặc dù rất muốn mà không thể triển khai.

“Tôi cho rằng việc TP Hà Nội sử dụng tiền ngân sách phục vụ công tác kiểm định CCC là cách làm có tính đột phá, chấm dứt được việc giằng co về lợi ích giữa người dân với DN liên quan đến công tác thẩm định, đánh giá chất lượng để đưa ra mức giá hỗ trợ, bồi thường cho người dân. Sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước sẽ đảm bảo tính khách quan, nếu cứ để người dân và DN tự thỏa thuận với nhau thì công tác cải tạo, xây dựng lại CCC không biết sẽ kéo dài đến tận khi nào” – chuyên gia quy hoạch đô thị, Thạc sĩ. KTS Trần Tuấn Anh nhìn nhận.

Căn cứ theo Đề án Cải tạo, xây dựng lại CCC, TP Hà Nội xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Xây dựng kế hoạch tổng rà soát kiểm định; Xây dựng kế hoạch lập, thẩm định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, tổng mặt bằng dự án; Xây dựng kế hoạch cải tạo, xây dựng lại CCC, xác định nhóm giải pháp cụ thể từ khảo sát, kiểm định đến triển khai dự án. Nhưng theo đánh giá, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả cần cả hệ thống chính trị vào cuộc và tăng cường sự thống nhất, đồng thuận của Nhân dân và các tổ chức kinh tế - xã hội.

Quyết định sử dụng nguồn ngân sách để kiểm định, đánh giá chất lượng CCC giúp cho công tác cải tạo, xây dựng lại CCC sớm được đưa vào triển khai thực hiện là giải pháp mang tính đột phá. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay, là việc sử dụng nguồn kinh phí đó như thế nào để giảm thiểu những rủi ro có thể gặp phải từ những phát sinh trong quá trình thực hiện?

“Theo tôi trước tiên sẽ dùng một phần nguồn kinh phí để thực hiện thí điểm một số khu CCC, chứ không nên thực hiện một cách dàn trải, sau đó tổng hợp kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm rồi mới tiếp tục nhân rộng. Điều này vừa giúp sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí, tránh thất thoát lãng phí, vừa hạn chế được rủi ro từ những phát sinh mới trong quá trình triển khai thực hiện” - Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ TP Hà Nội) Lê Văn Hoạt phân tích.

 

"Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại CCC đang được Sở Xây dựng nghiên cứu lập trên cơ sở Kế hoạch tổng rà soát, khảo sát, kiểm định nhà CCC, lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, 6 khu có tính khả thi cao như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân... và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp). Sở cũng tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ 14 dự án cải tạo xây dựng lại CCC đang triển khai; Rà soát bổ sung triển khai đối với nhà chung cư đơn lẻ cấp D..." - Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong

"Điều quan trọng nhất lúc này liên quan đến công tác chỉ đạo thực hiện, đáng mừng sau nhiều năm Hà Nội đã có một Ban Chỉ đạo về xây dựng, cải tạo lại CCC, cơ quan chuyên môn độc lập chứ không còn hình thức chỉ đạo xong các đơn vị cùng phối hợp thực hiện nữa, tránh mất thời gian, không giải quyết được nhiệm vụ trọng tâm."- Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Phạm Ngọc Thảo