Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội: Thêm nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Hà Ánh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường, Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái.

 Ông Mai Trọng Thái
Trong nửa tháng trở lại đây, chất lượng không khí (CLKK) Hà Nội liên tục cảnh báo màu đỏ, tức ở mức nguy hại đến sức khỏe. Với vai trò là cơ quan chuyên môn quản lý về vấn đề môi trường, theo ông đâu là nguyên nhân?
- Từ số liệu quan trắc và kết quả tính toán chỉ số CLKK (AQI) tại 35 trạm quan trắc những ngày đầu năm 2021 cho thấy, CLKK trên địa bàn TP Hà Nội và một số tỉnh, thành lân cận có xu hướng xấu đi. Trong đó, tại Hà Nội, số ngày có chỉ số CLKK ở mức xấu và kém tăng, đặc biệt từ ngày 11 – 20/1, có những ngày chạm ngưỡng rất xấu, nồng độ các chất ô nhiễm (đặc biệt bụi PM2.5) có trong không khí tăng khá cao, đỉnh điểm vào ngày 16/1, tại trạm Chi cục BVMT là 136.5 µg/m3 (vượt 2.7 lần quy chuẩn) và tại trạm Minh Khai là 130.8 µg/m3 (vượt 2.6 lần quy chuẩn).

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng CLKK như những ngày qua, trước hết, chúng ta cần phải xác định rõ các chất ô nhiễm trong không khí có nguồn gốc từ các nguồn thải nhân tạo như hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp, xây dựng, dân sinh… Các hoạt động này diễn ra mỗi ngày, đều đặn thải chất ô nhiễm vào môi trường. Bên cạnh đó là các hoạt động sản xuất công nghiệp tại các tỉnh thành, cũng như nguồn ô nhiễm vận chuyển từ xa, xuyên biên giới có thể tác động tới Hà Nội.

Hơn nữa trong thời gian qua, lượng phát thải tăng cao do sự gia tăng của các hoạt động chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán sắp đến, kết hợp với điều kiện khí hậu không thuận lợi như nhiệt độ thấp (dao động trong khoảng 11 – 20#), lặng gió (tốc độ gió dao động trong khoảng 0.3 – 1.3m/s), độ ẩm dao động trong khoảng 20 – 80%, gây ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ, hình thành lớp mây mù bao phủ TP, các chất ô nhiễm bị giữ lại bề mặt mà không phát tán được, khiến CLKK bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Vậy giải pháp đưa ra của Hà Nội trong thời gian tới là gì, thưa ông?

- Có thể khẳng định, trong những năm gần đây, TP Hà Nội đã triển khai rất nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí. Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm các cơ sở sản xuất công nghiệp vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Sở TN&MT phối hợp các sở, ngành, UBND các quận huyện, thị xã tiếp tục tổ chức ra quân từ đầu năm kiểm tra, đôn đốc các quận huyện, thị xã vận động người dân không đốt rơm rạ, không tái sử dụng bếp than tổ ong. Tăng cường phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các phương tiện giao thông xả khói đen; các phương tiện cơ giới quá niên hạn sử dụng, quản lý, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại công trình xây dựng.

Đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn đảm bảo việc thu gom triệt để rác thải, vận chuyển, xử lý đúng quy trình, quy định, không để tồn đọng gây ô nhiễm môi trường. Tích cực trồng cây xanh, rừng, tái tạo rừng tự nhiên. Cải tạo các sân chơi công cộng, vườn hoa cây xanh, kè hồ để tạo khu vui chơi giải trí cho Nhân dân cũng như góp phần điều hòa vi khí hậu, cải thiện CLKK trong khu vực.
Đi xe buýt để góp phần giảm thiểu chất lượng không khí bị ô nhiễm. Ảnh: Thanh Hải
Tại Chỉ thị số 3/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí vừa được ban hành, Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải; thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường… Vậy, Hà Nội đã có phương án như thế nào để thực hiện vấn đề này?

- Trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ đưa hệ thống đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông để phục vụ người dân, có nhiều ưu đãi để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Thực hiện rà soát các phương tiện xe buýt, đặc biệt là phương tiện sử dụng loại động cơ diesel đã cũ, hệ số phát thải cao; định hướng DN kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách công cộng thay thế phương tiện sử dụng loại động cơ ít phát thải, động cơ điện, kích thước xe cỡ vừa để phù hợp với hệ thống giao thông tại Hà Nội, vừa góp phần cần nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân.

Hiện nay, Sở TN&MT đang phối hợp Hiệp hội xe máy Việt Nam xây dựng phương án hỗ trợ người dân thu đổi xe cũ nát, được mua xe máy mới với giá ưu đãi.

Theo ông, điều gì là khó khăn nhất để thực hiện việc thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành trên địa bàn Hà Nội?

- Hầu hết người dân còn sử dụng phương tiện cơ giới lạc hậu, cũ nát đều là những người lao động thu nhập còn hạn chế, chưa có điều kiện để thay đổi phương tiện mới, sử dụng các phương tiện cũ làm phương tiện mưu sinh. Do vậy, để triển khai thu hồi, loại bỏ phương tiện cũ cần đảm bảo hài hòa, ít tác động tới an sinh xã hội của người dân. Đồng thời cũng phải có những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng kết hợp với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường.

Xin cảm ơn ông!