Áp lực giao thông ngày một tăng
Thời gian qua, tình trạng ùn tắc giao thông trên đường Lê Văn Lương luôn diễn ra hằng ngày. Vào giờ cao điểm, tuyến đường này trở nên lộn xộn, ô tô tràn sang làn xe máy; xe máy tràn sang làn dành riêng cho xe buýt và leo cả lên vỉa hè. Hàng nghìn phương tiện chen nhau nhích từng tí một.
Di chuyển thường xuyên qua đường Lê Văn Lương, anh Trần Văn Nam, trú tại phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội cảm nhận rõ áp lực giao thông ngày một tăng trên cung đường này.
“Buổi sáng, tuyến đường này tắc từ 7 giờ sáng đến 8 giờ 30. Buổi chiều, tuyến đường tắc từ 5 giờ đến 7 giờ. Có những ngày mưa, phải mất hàng giờ đồng hồ tôi mới có thể di chuyển từ cầu vượt Láng Hạ tới hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến” - anh Trần Văn Nam chia sẻ.
Chị Nguyễn Thúy Hà, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết: “Để có thể di chuyển qua tuyến đường Lê Văn Lương bằng xe máy vào giờ cao điểm phải mất 30 phút. Diện tích đường chật hẹp lại có nút thắt khu vực đầu cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ khiến giao thông khu vực này trở nên khó khăn hơn rất nhiều”.
Theo chị Nguyễn Thúy Hà, khu vực nút giao Hoàng Đạo Thúy - Lê Văn Lương cũng hằng ngày xảy ra ùn ứ phương tiện vào giờ cao điểm. Vào những hôm thời tiết không thuận lợi, phương tiện dày đặc đứng chôn chân hàng giờ đồng hồ.
Tuyến đường có chiều dài 2km rộng 11,25m mỗi chiều đường. Đường được chia làm 3 làn xe, trong đó có 1 làn dành riêng cho xe buýt và 2 làn đường hỗn hợp. Ghi nhận thực tế cho thấy, tuyến đường trục hướng tâm Lê Văn Lương kết nối quận Hà Đông và quận Nam Từ Liêm với các quận nội thành. Hai bên đường, nhà ở cao tầng, văn phòng làm việc mọc lên dày đặc, do đó nhu cầu đi lại của người dân qua tuyến đường này rất lớn.
Không muốn dừng liên tiếp 2 nhịp đèn đỏ dưới chân cầu vượt Láng Hạ, ô tô, xe máy chen nhau lên cầu khiến tuyến đường càng trở nên ùn tắc. Vào giờ cao điểm chiều, ùn tắc chủ yếu xảy ra tại nút giao Hoàng Đạo Thúy - Lê Văn Lương và nút giao Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương.
Thiếu không gian lưu thông, ô tô dàn hàng ra đường, xe máy tràn lên vỉa hè. Đường dành riêng cho xe buýt BRT cũng bị xe máy chiếm dụng toàn bộ khiến phương tiện này cũng không thể phát huy hết hiệu quả.
Theo kết quả đếm lưu lượng phương tiện do Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông cùng các đơn vị thực hiện vào cuối năm 2022, tại các điểm giao cắt của tuyến đường đều vượt quá lưu lượng xe thiết kế ban đầu.
Chân cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ đang là điểm ùn tắc phức tạp nhất tại tuyến đường này. Trước đây, xe máy bị cấm hoạt động trên cầu vượt nhưng không đem lại hiệu quả. Vào giờ cao điểm, xe máy, ô tô chen nhau lên cầu. Lối lên cầu khá hẹp, chỉ vừa 1 chiếc xe buýt khiến phương tiện phải xếp hàng dài chờ tới lượt. Tại cầu vượt Láng Hạ, hoàn toàn có thể xây dựng, mở rộng thêm 1 làn cầu mỗi bên, tách biệt ô tô và xe máy khi di chuyển. Việc mở rộng cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ, phương tiện lên cầu sẽ dễ dàng hơn, tháo gỡ được điểm đen ùn tắc này. Hình thức mở rộng cầu tương tự với cầu vượt Hồ Tùng Mậu đang được triển khai xây dựng.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan
Đại diện đội CSGT số 7, Công an TP Hà Nội cho biết: “Đây là tuyến đường xuyên tâm với mật độ phương tiện đông đúc lại nhiều điểm giao cắt nên thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm. Đơn vị đã bố trí lực lượng, chốt trực để phân luồng, hướng dẫn người dân di chuyển hằng ngày, tuy nhiên tình hình giao thông vẫn diễn ra khá phức tạp”.
Theo vị đại diện này, cần có thêm những giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn nữa để giải quyết tình trạng ùn tắc trên tuyến đường này.
Tận dụng đất giao thông hiện có
Nhiều chuyên gia cho rằng việc giải bài toán ùn tắc giao thông trên đường Lê Văn Lương sẽ nâng cao khả năng thông hành của trục đường hướng tâm. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó còn phát huy tối đa hiệu quả của tuyến xe buýt nhanh BRT, từ đó tạo được hình ảnh mới về vận tải hành khách công cộng theo hướng văn minh, hiện đại.
Theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, cải thiện hạ tầng là giải pháp đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết ùn tắc trên tuyến đường này.
“Có thể thấy rằng, với một tuyến đường xuyên tâm nhưng chỉ có 2 làn xe hỗn hợp không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày một tăng của người dân. Trên tuyến đường Lê Văn Lương, vỉa hè còn rất rộng. Vỉa hè có chỗ lên tới 7m đang được sử dụng với nhiều mục đích như trông xe, bày bán hàng hóa... rất lãng phí. Hoàn toàn có thể nghiên cứu, xén vỉa hè, mở rộng thêm 1 làn đường hỗn hợp để phương tiện lưu thông thuận lợi hơn” - chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là tuyến đường có nhiều tuyến xe buýt chạy qua, việc xén hè, tạo làn phụ ra vào đón khách cho xe buýt cũng sẽ giảm tình trạng phương tiện phải dừng lại, chờ xe buýt đón khách do đường Lê Văn Lương chật hẹp.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho rằng, tại 2 nút giao Hoàng Đạo Thúy - Lê Văn Lương và Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương cũng cần có những điều chỉnh như xén hè, mở lối rẽ phải liên tục.
Trên thực tế, tại nhiều tuyến đường ở Hà Nội đã thiết kế làn đường rẽ phải liên tục cho phương tiện. Việc xén hè mở làn rẽ phải liên tục trên đường Lê Văn Lương sang những tuyến đường khác sẽ tạo điều kiện cho phương tiện muốn rẽ lưu thông mà không bị phương tiện đi thẳng lấn làn hay phải dừng đèn đỏ. Như vậy, giao thông tại các nút giao sẽ được diễn ra liên tục, thuận lợi, giảm thiểu tình trạng ùn ứ.