Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải thiện hình ảnh du khách Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ì xèo xung quanh chuyện "đối nhân xử thế" của du khách Việt khi đi du lịch nước ngoài bấy lâu nay vẫn là nỗi buồn của người làm du lịch nước nhà khi những biểu hiện đó bị đánh giá là làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.

 Thế nên, lần đầu tiên các DN du lịch, trường đào tạo du lịch và truyền thông đã bắt tay "thắp lửa thiêu rụi" vấn nạn này nhằm cải thiện hình ảnh du khách Việt trong mắt bạn bè quốc tế.

Những con sâu làm rầu nồi canh

Là cầu nối cho du khách Việt ra nước ngoài khám phá, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt đã không ít lần cảm thấy ngại trước lối ứng xử của chính các “thượng đế” của mình. “Năm ngoái, chúng tôi tới hòn đảo Kyushu (Nhật). Khi ăn buffet, khách Việt lấy thừa thức ăn và nhiều người "ăn khôn" theo kiểu sushi có miếng cá ngon đặt lên trên cơm cuộn thì chỉ ăn cá và bỏ cơm. Trên xe ôtô thì nói chuyện ồn ào, vứt rác bừa bãi và rất hay sai giờ hẹn, khiến người tài xế ban đầu rất niềm nở, nhưng sau đó chỉ có thể gượng cười” - ông Đạt kể. 
Hoạt động tuyên truyền du lịch văn minh cho du khách tại Sân bay Nội Bài của Công ty Du lịch TransViet Travel.
Hoạt động tuyên truyền du lịch văn minh cho du khách tại Sân bay Nội Bài của Công ty Du lịch TransViet Travel.
Phải nói rằng, mất trật tự nơi công cộng là điểm trừ lớn của du khách Việt. Chủ tịch HĐTV Lửa Việt Tours Nguyễn Văn Mỹ nhớ mãi năm 2008 làm tour leader cho đoàn khách đi châu Âu: "Người ta nói chuyện quá ồn ào, khiến cảnh sát Italia mời vào phòng làm việc tại nhà ga Venice".

Bên cạnh đó, những hành vi chen ngang để mua hàng, hút thuốc nơi bị cấm, ăn mặc không phù hợp, chụp ảnh nơi không được phép, ăn cắp vặt hay lợi dụng du lịch để lao động bất hợp pháp tại nước ngoài cũng đang khiến hình ảnh du khách Việt xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế. Hẳn vì thế mà số nước miễn thị thực cho Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/4 Singapore (45/167), thua cả Lào, Campuchia và Đông Timor. Và chỉ có 13 nước miễn thị thực cho hộ chiếu phổ thông của khách Việt, trong đó có 9 nước ASEAN (trừ Đông Timor); 4 nước còn lại là Ecuador, Dominica, Panama (Trung Mỹ) và Kyrgyzstan (Trung Á) thì rất ít người nghĩ đến chuyện đi du lịch đó.

Việt Nam đang trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như WTO, TPP, AEC… Khi hình ảnh của đất nước và con người không đẹp trong mắt bạn bè quốc tế, thì vị thế của chúng ta trên thế giới cũng bị ảnh hưởng, vô hình tạo ra rào cản trên con đường hội nhập thế giới. Câu chuyện vị đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia phải chắp tay xin lỗi quan khách vì người Việt lấy hết đồ ăn mới đây đã phần nào nói lên điều đó. Hay nhìn vào một sự so sánh: Đất nước Nhật Bản gần đây gặp khó khăn về kinh tế, nhưng người Nhật luôn được nể trọng bởi văn hóa và cư xử rất văn minh. Trong khi đó, Trung Quốc - quốc gia có nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, gần đây có rất nhiều du khách đi du lịch rủng rỉnh tiền mua sắm, nhưng vẫn không được coi trọng vì cách ứng xử chưa đẹp. Không phải ngẫu nhiên mà vị Chủ tịch HĐTV Lửa Việt Tour thống kê có 8 hành vi không đẹp mà du khách Việt thường mắc phải: Mặc đồ ngủ ra đường; mất trật tự nơi công cộng; sai giờ hẹn; ăn uống xô bồ, bỏ thừa thức ăn; xả rác lung tung; trốn vé tàu điện, vé tham quan; táy máy, ăn cắp vặt; lợi dụng chính sách du lịch thông thoáng để cư ngụ bất hợp pháp. Vẫn biết đây chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh, song cũng không thể lơi là trước nhận định: Những tật này chưa thật sự phổ biến, nhưng không còn là cá biệt.

Hành động ngay

Mổ xẻ nguyên nhân khiến du khách Việt có những hành động xấu khi du lịch nước ngoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình lý giải: Là bởi thói quen tùy tiện, những thói quen xấu thường ngày vốn được coi là chuyện... đương nhiên, khi áp dụng ở nước ngoài sẽ không tránh khỏi phản cảm. Mặt khác, theo ông Đạt, sự thiếu hiểu biết về quy tắc hành xử khi đi du lịch cũng vô tình khiến hành động của du khách Việt “tréo ngoe” ở nước ngoài. Ví dụ coi chuyện hút thuốc nơi công cộng, vứt rác bừa bãi, nói cười ồn ào, lấy thừa đồ ăn là bình thường. Rồi cậy là “thượng đế” thì có quyền đi muộn, lấy đồ trên máy bay và khách sạn… Đặc biệt, "chúng ta chưa có một khuyến cáo hay chế tài nào bắt buộc khách du lịch phải cư xử văn minh, tuân thủ pháp luật ở điểm đến. Rồi, chế tài bắt buộc công ty du lịch phải nhắc nhở khách cũng chưa có. Tất cả đang bỏ lửng, hoàn toàn là vấn đề tự giác, nhưng tự giác thôi thì chưa đủ" - ông Đạt bày tỏ.

Thể hiện trách nhiệm của mình, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã làm cầu nối để các DN du lịch, trường đào tạo nghề du lịch và các nhà báo làm mảng du lịch cùng "thắp lửa thiêu rụi" vấn nạn này. Tới đây, trong sự kiện Hội chợ Du lịch quốc tế VITM - Hanoi 2016 diễn ra từ 14 - 17/4 tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Ban tổ chức sẽ có một cuộc mít tinh quy mô lớn phát động chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt và nói không với những hành vi xấu khi đi du lịch với sự tham gia của khoảng 2.000 học sinh, sinh viên và các DN du lịch. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã công bố bản dự thảo Quy tắc ứng xử của người Việt khi đi du lịch. Tài liệu này đang được lấy ý kiến của các bên liên quan để hoàn thiện trước khi công bố và phổ biến rộng rãi.

Giới chuyên môn cho rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nên việc nâng cao văn hóa du lịch của người Việt là vấn đề của đất nước, và toàn xã hội phải chung tay mới giải quyết được. Do vậy, các cơ quan quản lý du lịch cần sớm ban hành bản quy tắc văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch. Cùng với đó, đưa mục Văn minh du lịch vào Luật Du lịch sửa đổi 2016 và có chế tài xử phạt các du khách và công ty du lịch vi phạm như Trung Quốc đã làm. Đồng thời, phát động các chương trình quốc gia nhằm nâng cao văn minh khi đi du lịch. Các hãng lữ hành cần nhắc nhở khách trước và trong quá trình đi tour. Còn các trường đào tạo cần có những môn học nâng cao văn minh du lịch, kỹ năng xử lý tình huống và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch cho hướng dẫn viên, điều hành, quản lý du lịch để ngăn chặn các hành vi xấu của du khách. Và hơn hết, mỗi người Việt hãy tự trọng và tự tôn dân tộc, tìm hiểu kỹ trước khi đi du lịch, tránh ảnh hưởng tới thể diện quốc gia ở cả trong nước và quốc tế.
Chủ tịch HĐTV Lửa Việt Tours Nguyễn Văn Mỹ:
Thiếu bộ quy chế chuẩn văn hóa cho người Việt ra nước ngoài
Khó nhất là thay đổi tư duy quản lý, có dám làm triệt để hay không. Việt Nam không thiếu những văn bản luật quy định chế tài, nhưng các vi phạm thường “dĩ hòa vi quý”, nên tôi đề nghị Bộ Ngoại giao và Bộ VHTT&DL cần biên soạn ngay bộ quy chế chuẩn văn hóa tối thiểu của người Việt khi ra nước ngoài. Trong đó, xác định trách nhiệm của từng cá nhân và đơn vị tổ chức, có chế tài nghiêm khắc, mọi vi phạm ở nước ngoài phải xử phạt nặng. Cá nhân, có thể cấm xuất cảnh có thời hạn đến vĩnh viễn nếu vi phạm trầm trọng và cố ý. Các đơn vị tổ chức thì truy cứu trách nhiệm lãnh đạo, thu hồi giấy phép, cấm kinh doanh có thời hạn cho đến vĩnh viễn tùy hậu quả. Cần xác lập và giao nhiệm vụ giám sát cụ thể cho một tổ chức, cơ quan, không xử lý nội bộ kiểu “rút kinh nghiệm sâu sắc’’ hoặc “nghiêm khắc phê bình’’.
Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt:
Doanh nghiệp chịu phạt nếu khách có vi phạm
Nhằm góp phần nâng cao hình ảnh du khách Việt văn minh lịch sự, Công ty Du lịch TransViet Travel đã xây dựng nội dung khuyến cáo văn minh du lịch gồm những điều nên và không nên làm khi đi du lịch nước ngoài. Sau đó in tờ rơi và phát cho du khách. Rồi thực hiện các chiến dịch tuyên truyền tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất về văn minh du lịch. Đồng thời, yêu cầu hướng dẫn viên phải nhắc nhở du khách trước và trong quá trình đi tour, từ tháng 2/2016. Bên cạnh đó, TransViet Travel đã tuyên truyền về văn minh du lịch tại “Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh” diễn ra từ ngày 24 - 27/3. Thực tế cho thấy, nếu được công ty du lịch và hướng dẫn viên nhắc nhở kỹ, sẽ giảm khoảng 70 - 80% hành động xấu của khách. Mặt khác, tôi đề nghị công ty du lịch cùng nhau từ chối tiếp nhận khách đã bị mắc những lỗi nghiêm trọng khi ở nước ngoài như ăn cắp, bỏ trốn bất hợp pháp… TransViet kiến nghị được phạt nếu để xảy ra tình trạng khách của mình có hành vi xấu ở nước ngoài. Vì đó là cái cớ để chúng tôi luôn nhắc nhở khách rằng, hãy thực hiện tốt các quy định về văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật để công ty chúng tôi và cả khách không bị phạt.

Phó Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hữu Việt:

Cần chỉ đạo xuyên suốt từ cơ quan T.Ư

Sở Du lịch luôn có trách nhiệm trong việc nâng cao hình ảnh du khách Việt. Đơn cử, ngay sau vụ du khách trốn ở đảo Jeju (Hàn Quốc), Sở đã có công văn chỉ đạo các DN kinh doanh lữ hành trên địa bàn TP Hà Nội về việc giữ gìn hình ảnh của Việt Nam cũng như quảng bá hình ảnh tốt đẹp của người Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo về việc tổ chức tour du lịch cho khách đi du lịch nước ngoài đến các công ty lữ hành, đăng trên website của Sở. Tuy nhiên, để nâng cao văn hóa du lịch của người Việt, cần có chỉ đạo xuyên suốt từ cơ quan T.Ư và sự phối hợp của các ngành khác. Ví dụ, thời gian bay tới quốc gia khác rất dài, nếu trên máy bay có những cuốn cẩm nang, tờ rơi hướng dẫn du khách về văn hóa, phong tục nước họ đến thì rất hữu ích. Đề nghị Dự án EU thiết kế những tài liệu phục vụ chiến dịch này với nhiều hình ảnh sinh động, dí dỏm để dễ đi vào lòng người. Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đề nghị Tổng cục Du lịch ban hành rộng rãi tài liệu này và triển khai trên địa bàn TP Hà Nội. 

Giảng viên Khoa Du lịch học, trường Đại học KHXH&NV Nguyễn Quang Vinh:

Kiểm soát hướng dẫn viên, người dẫn tour ra nước ngoài

Đối với hành vi ứng xử của du khách Việt ở nước ngoài thì người hướng dẫn viên có vai trò rất quan trọng, bởi khách rất thiếu thông tin ở nước ngoài. Tôi cho rằng, trước khi chê trách du khách, thì hãy nói đến trách nhiệm của những người dẫn tour và người bán tour. Hiện nay, có tình trạng hướng dẫn viên trong nước phải có thẻ, nhưng hướng dẫn viên đi nước ngoài không cần thẻ và không có cơ quan nào kiểm soát vấn đề này. Mới đây, tôi có chuyến đi Paris theo tour của một DN lữ hành hàng đầu Việt Nam nhưng thuyết minh của Pháp nói 4 ý, thì khách chỉ được phiên dịch một ý, lại không liền mạch. Thế nên, chỉ ít phút sau, mọi người quay sang chụp ảnh, ngắm nghía, không nghe thuyết minh nữa. Vậy nên, tôi đề nghị chúng ta cần có chế tài và cơ quan quản lý đội ngũ hướng dẫn viên dẫn tour ra nước ngoài.