Cải thiện môi trường kinh doanh: Thông điệp mới, quyết tâm cao

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

Theo các chuyên gia, nếu so sánh tương quan với các nước ASEAN về môi trường kinh doanh thì để đạt được mục tiêu như Nghị quyết 19/2017 đề ra, Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện các chỉ số cụ thể.
 Cuộc đua không ngừng
Nghị quyết 19/2017 đặt mục tiêu đến hết năm 2017 đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN-4 (4 nước đứng đầu khối ASEAN) trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh. Cụ thể là khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng (theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới-WB) thuộc nhóm 30 nước. Riêng chỉ tiêu tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay (đánh giá theo cách tiếp cận của Diễn đàn Kinh tế thế giới) phấn đấu đến năm 2020 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu. Nghị quyết cũng đặt mục tiêu rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục gồm: Nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm (trong đó thuế là 119 giờ và bảo hiểm là 49 giờ); cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 120 ngày bao gồm: Thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng xuống còn 63 ngày (giảm 19 ngày)...

Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Năm 2016 vừa qua, môi trường kinh doanh là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam. Cụ thể, theo xếp hạng của WB năm 2016 về môi trường kinh doanh, Việt Nam đã tăng được 9 bậc về chỉ số này so với lần thống kê gần nhất. Tuy nhiên, dù có sự tăng về thứ bậc nhưng Việt Nam vẫn chỉ xếp thứ 82/190 trong các nước và vùng lãnh thổ được thống kê. Nhìn một cách thực tế nhiều tiêu chí xếp hạng của Việt Nam là còn khá thấp, cụ thể như: Khởi sự kinh doanh (121), Nộp thuế và bảo hiểm xã hội (167), Giải quyết phá sản DN (125). Thực tế vẫn còn rất nhiều quy định đang cản trở hoạt động kinh doanh, cản trở đổi mới sáng tạo, rào cản gia nhập thị trường, làm gia tăng chi phí kinh doanh cho DN… Đó là chưa kể việc thực thi các quy định pháp luật cũng còn yếu kém, làm gia tăng thêm thời gian và chi phí cho DN. “Chính vì vậy, năm 2017, để đạt được kết quả tốt, đòi hỏi chúng ta phải có một quyết tâm và nỗ lực cải cách ít nhất bằng 3 lần năm 2016” - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Phan Đức Hiếu phân tích.
Cả hệ thống vào cuộc
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương cuối năm 2016, nhiều ý kiến đánh giá, một trong những lực cản chính là không ít bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt trong triển khai thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đề cập hạn chế này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ- CP, bên cạnh sự tích cực vào cuộc của nhiều bộ, ngành và địa phương thì vẫn còn một số đơn vị nhìn nhận về vấn đề này chưa được sâu sắc. Từ đó dẫn đến việc chỉ đạo triển khai chưa quyết liệt. Điển hình như chậm ban hành chương trình hành động so với thời hạn đặt ra, chưa kịp thời tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn, hay đối thoại còn hình thức, chỉ ở mức độ ghi nhận kiến nghị…
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, các bộ, ngành, địa phương còn thiếu sự phối hợp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 19/2016. Dẫn ví dụ về việc cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh trong thực hiện Nghị quyết này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nhiều người thường nghĩ cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh là việc của Bộ KH&ĐT, đổi mới sáng tạo là trách nhiệm của Bộ KH&CN, hay cấp phép xây dựng là của Bộ Xây dựng…, tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, có rất nhiều chỉ tiêu cụ thể trong từng chỉ số là của các bộ, ngành khác.
 “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và DN” - thông điệp của Chính phủ đã rõ. Trong Nghị quyết 19/2017, Chính phủ yêu cầu Bộ KH&ĐT theo dõi, giám sát đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Luật Đầu tư, Luật DN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các bộ, cơ quan: Tài chính, LĐTB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cải thiện thứ hạng và điểm số của các chỉ số Khởi sự kinh doanh, Bảo vệ nhà đầu tư; Theo dõi, đánh giá về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Phấn đấu đến hết năm 2017, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, DN được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3; Cho phép sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4). Chính phủ giao Bộ Tài chính ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đảm bảo kết nối thông tin thống nhất giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành với Tổng cục Hải quan và Cổng thông tin một cửa quốc gia… Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực vào cuộc để cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam thời gian tới.
Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhiều chuyên gia nhấn mạnh trách nhiệm, sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và hiệu quả từ việc triển khai thực hiện tại địa phương. “Một môi trường kinh doanh tốt là môi trường kinh doanh chi phí thấp nhất và ít rủi ro pháp lý nhất cho DN cũng cần phải được tạo dựng. Tư duy và phương thức quản lý Nhà nước là “quản bằng mọi giá” phải được thay đổi hoàn toàn bằng phương thức quản lý mới “thông minh hơn, rẻ nhất, ít gây tốn kém và phiền hà nhất cho DN" - Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.
Mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh bằng mức trung bình của ASEAN - 4 còn cách một khoảng khá lớn. Mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 là một thách thức không nhỏ nếu trong những năm tới, mỗi năm chỉ có khoảng 100.000 DN đăng ký thành lập mới. Bên cạnh đó, cạnh tranh giữa chính phủ các nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển DN là rất mạnh mẽ. Nhiều nước xung quanh đang đạt được kết quả cải cách rất tốt như IndonesiaBrunei… Đồng thời, hệ thống các quy định pháp luật về kinh doanh, DN vẫn là đòi hỏi cấp thiết cần tiếp tục cải cách.
Phó Viện trưởng CIEM  Phan Đức Hiếu

Đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm
Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, kiên quyết tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất,   kinh doanh trên tất cả các ngành, các lĩnh vực ngay từ đầu năm... là những chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 23/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017 vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành.
Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động đề xuất giải pháp phù hợp với tình hình mới; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của DN Nhà nước.
Các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ quốc tế và trong nước để chủ động phương án, giải pháp ứng phó kịp thời; phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành chính sách, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghệ hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng.
Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách Nhà nước; chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý thu, chi ngân sách, nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần