Đó là nội dung được thảo luận tại hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho DN Việt Nam sau cú sốc Covid-19” do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài Chính và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 29/6.
Thủ tục C/O làm khó doanh nghiệp
Không phủ nhận khi được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ giúp tạo thêm động lực cho các DN phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh, đặc biệt sau cú sốc của dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều DN cũng bày tỏ băn khoăn về những vướng mắc đối với việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
Bà Lê Thị Nụ - Đại diện Công ty CP Đầu tư Wood Alliance cho hay, có những C/O phải mất 2,5 tháng DN mới có được, điều này khiến nhiều lô hàng bị lỗ vì không lấy được C/O và không thông quan được hàng. “Hiện, công ty đang xúc tiến sang thị trường EU đối với mặt hàng gỗ dán, sản phẩm nội thất, cửa tủ bếp. Nếu không giải quyết được C/O thì khó có thể tận dụng được cơ hội mà EVFTA mang lại” – bà Nụ băn khoăn.
Không chỉ C/O khiến nhiều DN lo ngại, mà ngay cả truy xuất nguồn gốc cũng là điều mà nhiều DN quan tâm. Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, xuất xứ của hàng hóa chính là tạo sự khác biệt của hàng hóa nội khối và hàng hóa bên ngoài.
Nếu hưởng những ưu đãi thuế quan trong một Hiệp định chúng ta phải chứng minh hàng hóa có xuất xứ, đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của Hiệp định. “DN gặp khó do không sử dụng nguyên liệu trong nội khối EU nên không đáp ứng được quy tắc xuất xứ hoặc không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu sử dụng từ nội khối chứ không phải khó khăn ở việc có tờ giấy chứng nhận” - bà Trang lý giải.
Tăng cường đối thoại, gỡ khó cho doanh nghiệp
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, EVFTA là cơ hội lớn nhưng tiềm lực và nội lực của các DN hiện nay cần phải cải thiện thì mới tiếp cận được thị trường xuất khẩu có cam kết sâu rộng như châu Âu. Đặc biệt, sau cú sốc dịch Covid-19, EVFTA khi được đưa vào thực thi sẽ giúp tạo thêm động lực cho các DN Việt Nam phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) Phan Thị Thanh Xuân cho biết: “5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu da giày sụt giảm tới hơn 10% so với cùng kỳ, vì vậy chúng tôi kỳ vọng từ nay đến cuối năm, bù đắp của thị trường châu Âu sẽ giúp cho ngành tăng trưởng trở lại và duy trì mức tăng trưởng 10%”.
Theo bà Xuân, với DNNVV tiềm lực tài chính không đủ để tự chủ trong sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Do đó, về lâu dài, cần phát triển khu công nghiệp phục vụ nguyên phụ liệu cho sản xuất. Đồng thời, DN cần tham gia chuỗi liên kết trong và ngoài nước, liên kết chặt chẽ hơn với nguồn cung trong và ngoài nước để có được những ứng phó kịp thời với biến động xảy ra.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, để hiện thực hóa các cơ hội từ EVFTA, Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn tất kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết. Đồng thời, tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng DN nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về phía DN, cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về EVFTA, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của Hiệp định mà của cả thị trường EU.
"Với vướng mắc C/O, Tổng cục Hải quan sẵn sàng phối hợp đầu mối với Bộ Công Thương, VCCI để chia sẻ những số liệu, kinh nghiệm, đặc biệt là đánh giá DN, xếp hạng DN để dựa vào đó rút ngắn thời gian cấp C/O cho DN. Tuy nhiên, các DN xin cấp C/O cũng cần tuân thủ đầy đủ quy định và minh bạch." - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài Chính) Mai Xuân Thành |