Cải tiến game online phục vụ học Lịch sử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới trẻ vẫn đang thờ ơ với môn Lịch sử. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, cả nước chỉ có hơn 100.000 thí sinh chọn thi môn Lịch sử (chiếm 11,52%), còn trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, con số đó cũng chỉ nhỉnh lên chút ít là 153.688 thí sinh (chiếm 15,3%).

Giờ học Lịch sử và Địa lý của học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công. Ảnh: Công Hùng
Giờ học Lịch sử và Địa lý của học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công. Ảnh: Công Hùng
Theo cô Đỗ Thị Nga - giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), môn học Lịch sử không chỉ trang bị kiến thức, mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc ở người học, cung cấp nền tảng văn hóa - điều rất cần thiết khi đất nước đang hội nhập sâu rộng với quốc tế. Môn học này đã được quan tâm đầu tư đúng mức hay chưa là điều dư luận đang tranh cãi, nhất là khi có không ít học sinh (HS) không còn hào hứng với việc học Lịch sử. Vậy nên, dạy và học Lịch sử thế nào? Mục tiêu đặt ra là giáo dục Lịch sử phải góp phần giúp HS cải thiện được giao tiếp của bản thân đối với gia đình, cộng đồng xung quanh; giúp HS nhận thức được hiện thực đang diễn ra trước mắt, giải thích nó từ góc độ lịch sử bằng các sử liệu thực chứng. Để việc dạy - học Lịch sử cuốn hút HS, trước hết, giáo viên phải tâm huyết, tận tâm với nghề, tìm tòi, sưu tầm kiến thức lịch sử. Đặc biệt, biết tận dụng lợi thế lồng ghép trong việc dạy - học. Thực tế hiện nay, rất nhiều HS phổ thông, sinh viên có nhiều hình thức giải trí, tuy nhiên có những loại hình giải trí không lành mạnh, ví như các trò đỏ đen, cờ bạc và có cả game online bạo lực. Game online đã khiến không ít HS bỏ học. Vậy chúng ta có thể cải tiến, biến game bạo lực thành game giải trí, phục vụ cho việc học tập. Hiện, rất nhiều game được các nhà phát hành Việt Nam xuất bản, nhưng hầu hết là game mua lại từ Trung Quốc với nội dung về dã sử Trung Quốc như Tam Quốc, Thủy Hử, Công Thành chiến và hàng loạt game mang tính bạo lực. Những game này do nước ngoài sản xuất hoặc được cửa hàng, công ty game Việt Nam Việt hóa, bởi thế, nhiều bạn trẻ thuộc sử nước ngoài hơn cả lịch sử nước nhà.

Do đó, các nhà quản lý, đặc biệt đối với ngành giáo dục, các nhà trường có thể dùng lợi thế này, cải tiến và sử dụng game, biến game thành một phần mềm thuyết trình với mục đích làm cho môn Lịch sử nước nhà thêm trực quan và sinh động. Thay vì chơi game bạo lực, có thể sử dụng game Việt với những dữ liệu, sự kiện lịch sử, biến game như một công cụ giải trí ngoài giờ học.