Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải tổ bóng đá; Bắt đầu từ đâu?

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bóng đá Việt Nam đang đứng trước áp lực phải thay đổi toàn diện nhằm tiến lên chuyên nghiệp. Bởi lẽ, dù đã xây dựng sân chơi chuyên nghiệp gần 2 thập kỷ nhưng V.League vẫn bằng lòng ở giai đoạn “quá độ”.

Không chuyên nghiệp, cũng chẳng bao cấp, bóng đá Việt Nam đánh mất bản sắc cũng chẳng tận dụng được nguồn lực từ xã hội để tìm lấy cho mình động lực phát triển.
Hai thập kỷ mất mát
Trước khi tiến lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam có những biểu tượng làm nền tảng cho sự hấp dẫn của sân chơi quốc nội. Phía Bắc có Đường sắt Việt Nam, Thể Công, Công An Hà Nội, Công an Hải Phòng. Phía Nam có Công an TP Hồ Chí Minh, Cảng Sài Gòn, Hải quan, Bưu điện luôn đến với những trận cầu kinh điển. Họ cùng với những đội bóng địa phương trải dài khắp nước mang đến bầu không khí bóng đá sôi động, hấp dẫn. Thế nhưng, cuộc chuyển mình không thể khác đi lên chuyên nghiệp với định hướng “doanh nghiệp hóa bóng đá” khiến bản đồ bóng đá nhanh chóng thay đổi. Lần lượt những đội bóng giàu truyền thống nhất Việt Nam được đổi tên rồi sau đó biến mất khiến người hâm mộ không khỏi tiếc nuối và xót xa bởi chẳng bao giờ có thể trở lại những ngày tháng hào hùng trong quá khứ.

Các cầu thủ đội tuyển Việt Nam trong buổi tập ngày 5/10.

Tiến lên chuyên nghiệp là con đường bắt buộc. Nhưng cách làm của bóng đá Việt Nam trong gần hai thập kỷ vừa qua khiến chúng ta rơi vào cuộc khủng hoảng không có lối thoát. Trong khi những thương hiệu cũ vốn ăn sâu vào tiềm thức của người hâm mộ trong hàng chục năm bị xóa sổ thì cái tên mới phải vất vả tìm chỗ đứng. Có người bảo, việc đổi tên, hoặc thành lập đội bóng mới khi DN nhảy vào bóng đá là tất yếu bởi đó là cách quảng cáo hiệu quả nhất. Thế nhưng, cách làm ấy đã đi ngược với quy luật chung. Nhìn ra thế giới, có hàng loạt cuộc chuyển giao về sở hữu nhưng cái tên đội bóng vẫn được bảo lưu.
Hai thập kỷ qua là quãng thời gian bóng đá nước nhà xóa cái cũ làm lại cái mới. Thậm chí, cái mới chưa tạo được chỗ đứng thì nó lại bị xóa để nhường chỗ cho thương hiệu mới. Vòng xoáy ấy đẩy bóng đá nước nhà vào một cuộc khủng hoảng về bản sắc, đường lối và khiến sân chơi dần bị biến dạng, khủng hoảng.
Gốc rễ là V.League
Đã có những lời kêu gọi phải cải tổ nền bóng đá nước nhà. Nhiều người chĩa mũi dùi vào VFF khi tổ chức này không hoàn thành nhiệm vụ chinh phục huy chương SEA Games hay AFF Cup. Có người đi xa hơn khi chỉ trích VFF không hoàn thành công tác đào tạo trẻ. Thế nhưng, những lời chỉ trích đó không đi đến tận cùng gốc rễ vấn đề hoặc có những mưu đồ khác. Bởi lẽ, không có một đội tuyển mạnh nếu V.League èo uột và trên thế giới, chẳng có liên đoàn nào gánh vác trách nhiệm đào tạo thay đội bóng.
Đội tuyển là mặt tiền của nền bóng đá. Nhưng, để có căn nhà đẹp thì nền móng phải tốt. Các đội bóng với sự vận hành chuyên nghiệp của mình chính là yếu tố quyết định sự thành bại của nền bóng đá. Trong khoảng thời gian gần hai thập kỷ phát triển nóng, bóng đá Việt Nam đã buông lỏng công tác đào tạo, xây dựng bản sắc trong lối chơi. Các đội bóng cảm thấy tự hào về những bản hợp đồng tiền tỷ, những cú lắc mình đã có được thành công ở V.League mà không quan tâm đến việc kiến tạo hệ thống. Rất nhiều đội bóng bỏ bê công tác đào tạo. Thậm chí, ngay cả HAGL, đội bóng nổi tiếng về đào tạo trẻ cũng bỏ không tham dự các giải đấu trẻ trong nhiều năm.
DN chạy theo thành tích, chấp nhận bung tiền mua cầu thủ. Đội bóng địa phương cũng không mặn mà với sự nghiệp trồng người. Họ chú tâm tìm nhà tài trợ lo cho đội thay vì làm bóng đá một cách bài bản. Hệ quả là một thời gian dài bóng đá Việt Nam không có tiền đạo giỏi, thiếu thủ môn hay và phải nuôi mộng đánh bại Thái Lan với lứa cầu thủ đến từ HAGL.
Vậy mới nói, để có được một cuộc cải tổ thực sự cho bóng đá nước nhà, hãy bắt đầu từ V.League, nơi các đội bóng phải quay trở lại với chiến lược phát triển bài bản. Bóng đá không thể chuyên nghiệp nếu thiếu những con người chuyên nghiệp cùng một định hướng rõ ràng và kiên định.