Cái yếm thời nay...

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Còn nhớ trong bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, nhà thơ Nguyễn Duy viết: “Mẹ ta không có yếm đào/ Nón mê thay nón quai thao đội đầu”. Thế mới thấy, ở những năm 80 của thế kỷ trước, yếm đào là loại trang phục không dành cho phụ nữ nghèo…

Cùng với sự phát triển của xã hội, thời trang cũng ngày một thay đổi, dần dà cái yếm cũng bị “loại” khỏi đời sống phụ nữ Việt Nam. Người ta chỉ còn thấy yếm xuất hiện trong các bộ phim cổ trang, những vở chèo, tuồng cổ… Hình như ai đó từng nói: Thời trang là sự lặp lại cái vòng luẩn quẩn…

Bẵng đi một thời gian, chiếc yếm lại có “cửa” để quay lại cuộc sống hôm nay. Bằng chứng là cứ mỗi độ hè về, các em gái trẻ lại đua nhau yếm hồng, yếm thắm đến các hồ quanh TP để chụp ảnh cùng sen.

Những ngày tháng 6 này, nếu có dịp ghé thăm mấy hồ ven đô; thưởng thức hương sen thơm ngát, ngắm những cô gái đương tuổi xuân thì, thả bờ vai trần, buông đôi chân dài… ngút mắt bên loài hoa “gần bùn mà chẳng hôi tanh…” thì con gì thú bằng! Yếm thắm cùng hoa sen, không “tái xuất” từ lớp trung tuổi mà từ lứa tuổi teen.

Nó đã và đang trở thành một thứ hiệu ứng lan truyền đối với không ít chị em ở lứa tuổi đã bước sang sườn dốc bên kia của cuộc đời. Vậy là trên mạng xã hội, ngập tràn hình ảnh ghi lại cảnh các thiếu phụ bên hoa sen, cũng yếm đào vai trần, chân thõng… Và dịch vụ chụp ảnh, trang điểm, trang phục tại những hồ sen dịch vụ mọc lên như nấm.

Còn nhớ trong “Tống biệt hành”, Thâm Tâm từng có câu “Một chị hai chị cũng như sen…”; phải chăng nhà thơ muốn ví đời người con gái, cũng giống đóa sen - nở rồi phải tàn? Một khi “cái tuổi đã đuổi cái xuân” thì người ta cũng giống bông sen khi đà rụng cánh? Nhìn bức hình của không ít chị em ở lứa tuổi sồn sồn, nhưng vẫn cố tình… cưa sừng làm nghé, người ta có cảm giác của kệch cỡm, sự đua đòi nhiều hơn là nét đẹp…

Qua công việc, tôi có chơi với một chủ đầm sen trên mạn Hồ Tây; việc trồng sen của ông nhằm mục đích lấy hoa ướp trà. Trà sen của ông nổi tiếng đến mức Đài truyền hình NHK của Nhật Bản đã phải cử một tốp phóng viên sang Việt Nam ăn chực, nằm chờ cả tháng trời, chỉ để làm mấy chục phút phim tài liệu về trà sen Hồ Tây của xứ ta.

Một lần vui chuyện tôi hỏi, sao bác không kết hợp giữa việc trồng sen ướp trà và dịch vụ chụp ảnh? Không vội trả lời câu hỏi, thong thả đun nước, pha ấm trà sen, và khi trà đã chín, rót nước mời khách xong ông mới thủng thẳng: Tuy mọc trong bùn, nhưng sen rất “khó tính”, chỉ cần một tác động khác thường, tức khắc bông hoa sẽ trở nên “hữu sắc vô hương”.

Đàn bà con gái thì theo quy luật của tạo hóa, tháng nào mà chả… “có tuần”; sơ sẩy một chút thì đừng nói chuyện trà mới cháo. Điều này chả biết có nên tin hay không? Nhưng quả tình sau rất nhiều mùa Hè qua đi, đầm sen của ông không hề có dịch vụ cho chị em chụp ảnh…

Trong truyện ngắn “Đôi móng giò”, nhà văn Nam Cao viết đại ý rằng, quần áo ta ăn mặc không phải vì sự dễ chịu của bản thân mình - mà vì mắt nhìn của kẻ khác… Và xét cho cùng, cuộc sống phải luôn hướng đến “Chân - Thiện - Mỹ”; cái sự mặc yếm chụp ảnh bên hoa sen, thiết nghĩ cũng nên tùy thuộc vào tuổi tác; không nhẽ cứ thấy “trẻ con ăn khoai”, người lớn cũng “vác mai đi đào”!!!

Đọc tiếp

Kinh tế đô thị cuối tuần