Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cạm bẫy ngọt ngào của thẻ tín dụng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự việc một khách hàng ở TP Hồ Chí Minh bị Ngân hàng HSBC áp lãi nặng vì chưa thanh toán hết dư nợ tín dụng của kỳ trước đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Thẻ tín dụng đang được dùng rất phổ biến nhờ những tiện ích hấp dẫn. Tuy nhiên nếu không trả nợ thẻ tín dụng đúng hạn mỗi tháng, khách hàng có thể sẽ gặp phải những rắc rối không đáng có.
Choáng vì phí phạt và lãi suất thẻ
Chia sẻ trên mạng xã hội, anh Phan Dũng Khánh, chủ thẻ tín dụng HSBC bức xúc vì nợ quá hạn 400.000 đồng nhưng bị tính lãi và phạt đến gần 3 triệu đồng, gấp 7,5 lần số tiền gốc. Anh Khánh cho biết, do phải chuyển nhà nên anh mua thêm vật dụng nên tiền thanh toán thẻ tín dụng (mở tại HSBC) tháng 4 của anh lên tới hơn 100,4 triệu đồng và kỳ hạn trả trước 16/5. Ngày 7/5, anh ra ngân hàng (NH) để nộp vào máy ATM của HSBC nhưng hạn mức tối đa cho nộp một ngày chỉ là 100 triệu đồng, anhdự định hôm sau nộp tiếp hơn 400.000 đồng còn lại.
 Người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ tín dụng tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Tuy nhiên do bận công việc và nghĩ với số dư nợ hơn 400.000 đồng, nếu có bị tính lãi thì chỉ khoảng vài chục ngàn đồng nên anh Khánh để luôn đến kỳ sao kê tháng 5. Đến ngày 21/5 sao kê thì tá hỏa vì lãi đến gần 3 triệu đồng, gấp 7,5 lần số tiền gốc anh còn nợ là hơn 400.000 đồng, nghĩa là lãi tới gần 650%/tháng.
Sau đó, anh gọi lên HSBC Việt Nam, đồng thời đến NH khiếu nại. Phía HSBC giải thích là tiền lãi tính luôn hơn 104 triệu đồng và cộng với 27 triệu đồng quẹt thẻ sau đó (kỳ hạn của 27 triệu đồng này đến giữa tháng 6 mới phải trả). Theo anh Khánh, quy định như vậy là đẩy phần khó về cho khách hàng.

"Ở Việt Nam nhiều cá nhân vẫn không nắm được quy trình, thủ tục ghi nhận nợ của các NH nên vô tình trở thành con nợ dài hạn. Vì vậy, các nhà băng phải có nhiệm vụ nhắc nhở khách hàng về thời hạn thanh toán các loại phí, nợ... " - TS Nguyễn Trí Hiếu

Thực tế không chỉ riêng trường hợp khách hàng của HSBC, nhiều chủ thẻ tín dụng cho biết cũng từng bị tính lãi và phạt số tiền khá lớn so với dư nợ do quên thanh toán. Đó là chưa kể, nợ trên thẻ tín dụng còn bị chuyển nhóm nợ sang nợ xấu và hiển thị trên lịch sử tín dụng của CIC – gây khó khăn cho các giao dịch vay vốn hay mở thẻ/nâng hạn mức thẻ sau này của chủ thẻ. Như trường hợp của chị Phương (ở TP Hồ Chí Minh) chỉ nợ 1.222,32 đồng mà bị nằm trong danh sách nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) đồng thời phải trả 300.000 đồng.
Theo thông tin chị cung cấp, sau khi đến điểm giao dịch của ngân hàng tại quận 1 mới “ngã ngửa” rằng khoản nợ trên chính là tiền phí thường niên thẻ phụ của NH này. Còn anh Trần Nhật Bình ngụ quận 1 (TP Hồ Chí Minh) kể, bỗng dưng nhận được một thông báo từ Eximbank rằng anh đang thuộc nhóm nợ 5 (có khả năng mất vốn) tại CIC, với mức nợ là 1.222,32 đồng. Mặc dù số tiền nợ rất nhỏ, chỉ vài ngàn đồng thì tự động theo báo cáo xếp loại từ các NH lên CIC có thể đưa vào các nhóm nợ có nguy cơ cao.
Lợi bất cập hại
Hiện nay, nhu cầu vay tín chấp NH của người dân ngày càng tăng cao. Phần để đáp ứng các nhu cầu cuộc sống, phần vì đây là hình thức vay vốn có điều kiện khá dễ dàng, các thủ tục hồ sơ nhanh chóng thuận tiện. Tuy nhiên, vì điều kiện cho vay khá dễ song cũng rất dễ trở thành con nợ.
Hiện nay, hầu hết sản phẩm thẻ tín dụng của các NH đều có tính năng miễn lãi tới 45 ngày. Tuy nhiên đây là số ngày miễn lãi tối đa chứ không phải áp dụng cho tất cả các giao dịch từ thẻ. Số ngày được miễn lãi thực tế phụ thuộc vào thời điểm khách hàng thực hiện từng giao dịch, loại giao dịch và ngày sao kê của sản phẩm thẻ đó.
Ngược lại dù chỉ thanh toán thiếu một đồng, khách hàng coi như đã vi phạm cam kết và NH thực hiện tính lãi từ thời điểm khách hàng được giải ngân và lãi được tính cho tất cả các giao dịch kể từ thời điểm thực hiện giao dịch đó.
Không chỉ bị tính lãi suất mà còn chịu phí phạt quá hạn/phí trả chậm. Phí phạt trả chậm khi không trả đủ số tiền tối thiểu mà NH yêu cầu sau 45 ngày, phí này được các NH áp dụng tối thiểu là 5%/lần trên tổng số tiền khách hàng đã sử dụng từ thẻ tín dụng của mình.
Đó là chưa kể một loạt phí của thẻ khi chủ thẻ phát sinh các giao dịch, yêu cầu... Trong trường hợp chủ thẻ dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt, cần lưu ý phí rút tiền mặt khá cao: 4% số tiền giao dịch, tối thiểu 50.000 đồng/giao dịch và NH sẽ thực hiện tính lãi vay chứ không miễn phí 45 ngày. Nếu rút tiền ở nước ngoài thì còn chịu thêm phí chuyển đổi ngoại tệ 2,5%...
Giám đốc một NH ở Hà Nội thừa nhận, phát hành thẻ có độ rủi ro cao vì đây là loại thẻ tín chấp nên nhiều khi NH khó thu hồi được nợ, thế nhưng các NH vẫn đẩy mạnh tốc độ phát hành để chiếm lĩnh thị trường. Bù lại những thiệt hại có thể xảy ra, NH tính lãi suất cho vay cũng như phí của loại thẻ tín dụng ở mức cao. Nhìn sơ qua biểu phí của một NH thương mại có số lượng phát hành thẻ nhất nhì thị trường hiện nay, thấy có 16 loại phí liên quan đến thẻ tín dụng mà chủ thẻ sẽ phải chịu trong quá trình sử dụng.
Các chuyên gia khuyến cáo, để tận dụng được tất cả những tiện ích của thẻ tín dụng và phục vụ nhu cầu bản thân một cách hiệu quả, người dùng thẻ nên lưu ý tất cả những tiện ích cũng như chính sách mà các tổ chức phát hành thẻ cung cấp, bao gồm chính sách thanh toán.