Saturday, 09:11 18/07/2015
Cạm bẫy từ thẻ tín dụng
Kinhtedothi - Giảm giá mua hàng, tặng quà, thưởng chuyến du lịch…, đó là những quảng cáo “kêu như chuông” mà các ngân hàng vẫn dùng để thuyết phục khách hàng chi tiêu qua thẻ tín dụng (TTD).
Tuy TTD ngân hàng nhiều tiện ích, lắm khuyến mãi nhưng cũng không ít cạm bẫy chực chờ nếu chủ thẻ không tìm hiểu kỹ.
Ngân hàng…“mài dao sắc”
Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng bắt đầu âm thầm tăng phí, tăng lãi suất đối với chi tiêu qua TTD. Hiện, mỗi chiếc TTD đang gánh hàng chục loại phí, lãi suất vay qua thẻ ngang ngửa “tín dụng đen”.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa phát thông báo mới về thay đổi điều kiện, điều khoản của TTD TPBank Visa. Theo đó, mức lãi suất mới mà TPBank áp dụng từ ngày 15/6 với thẻ TPBank Visa hạng chuẩn lên tới 24,5%/năm, hạng vàng là 22%/năm. Với mức lãi này, TPBank trở thành một trong những ngân hàng áp lãi suất cho vay qua thẻ cao nhất trên thị trường hiện nay. Còn so với lãi suất cũ (19,6%/năm) thì mức mới đã tăng từ 2,4 - 4,9%/năm, tùy từng loại thẻ.
Không kém cạnh, lãi suất mà HSBC đang áp dụng cho thẻ Visa cũng ở mức 24%/năm. Nhẹ nhàng hơn một chút, BIDV áp lãi 16,5%/năm với thẻ thanh toán BIDV Visa.
Không chỉ lãi cao, nhiều ngân hàng còn tăng phí sử dụng thẻ trá hình bằng cách yêu cầu khách hàng tăng số dư bình quân duy trì trong thẻ, giảm hạn mức rút tiền của thẻ từ 5 triệu đồng/lần xuống còn 2 triệu đồng, tăng phí chuyển khoản trên Internet Banking... Cụ thể, trước đây, VIB quy định nếu chủ thẻ duy trì số dư bình quân 500.000 đồng trong tài khoản thì được miễn phí các giao dịch rút tiền trên ATM và chuyển khoản trên Internet Banking..., song hiện nay, phải duy trì số dư gấp đôi.
Bên cạnh đó, khách hàng dùng thẻ thanh toán cũng hoa mắt vì một “rừng” phí. Theo biểu phí được Techcombank niêm yết trên website, thẻ Techcombank Visa đang gánh 13 loại phí như phí phát hành thẻ lại, phí cấp lại PIN, phí thường niên, phí quản lý chuyển đổi chi tiêu ngoại tệ… Trong đó, đáng lưu ý là một số loại phí rất khó hiểu như phí tra soát khiếu nại (nếu khách hàng khiếu nại không đúng). “Tôi nghĩ việc tra soát lại để giải thích cho những thắc mắc của khách hàng là nhiệm vụ của ngân hàng trong việc phát triển các dịch vụ, tiện ích để phục vụ các nhu cầu chính đáng của khách hàng. Thế nhưng ngân hàng lại bắt khách hàng gánh phí những giao dịch quá đơn giản này” - một chủ thẻ Techcombank phàn nàn.
Phải tìm hiểu kỹ
Một nhân viên ngân hàng TMCP trong nước cho biết, chị đang có TTD của HSBC. Dù cũng có chuyên môn về lĩnh vực ngân hàng nhưng lúc mới nghe nhân viên phát hành thẻ tư vấn, chị vẫn chỉ hiểu rất mơ hồ. Cụ thể, thông thường các ngân hàng sẽ miễn lãi 45 ngày cho khách sử dụng TTD. Tuy nhiên, thực tế lại không hoàn toàn đơn giản như vậy: “Nhiều khách hàng hiểu không rõ nên nhầm tưởng là được miễn lãi trong vòng 45 ngày từ ngày chi tiêu bằng thẻ. Mốc 45 ngày này tính từ ngày sao kê cố định hàng tháng của ngân hàng” - chị này nói. Vì quy định này mà nhiều người ngã ngửa ra khi bị ngân hàng tính lãi vì trả chậm.
Cách tính lãi của ngân hàng cũng khiến nhiều người hiểu lầm. Nếu đến hạn thanh toán mà chậm nộp thì mức lãi chủ thẻ phải trả không tính từ ngày đến hạn theo quy định của ngân hàng mà tính từ thời gian chi tiêu thẻ, thanh toán hàng hóa. Bên cạnh lãi vay, nhiều ngân hàng còn áp dụng phí phạt với chủ TTD chậm thanh toán. Hiện nay, tại Vietcombank, phí phạt chậm thanh toán là 3%, lãi suất vay qua thẻ là 16 - 20%/năm. Tại ABBank, phí phạt là 4%, lãi suất 21%/năm, tại OCB, phí phạt lên tới 5% và lãi suất dao động từ 18 - 24%/năm…
Theo khuyến cáo của nhiều chủ thẻ đã sử dụng thẻ thanh toán, muốn chi tiêu hiệu quả và không bị ngân hàng tính lãi thì “cần trả đúng hạn để không bị ngân hàng tính lãi vay và lãi phạt”. Một điều cần lưu ý nữa là mỗi ngân hàng có quy định khác nhau về ngày đến hạn thanh toán. Ví dụ, HSBC là ngày thứ 15 sau ngày sao kê, còn BIDV là ngày thứ 11 sau ngày sao kê.
![]() Khách hàng dùng thẻ thanh toán mua hàng tại Siêu thị Co.opmart. Ảnh: Hùng Trọng
|
Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ khẩn trương rà soát lại các loại phí, mức phí đang áp dụng đối với thẻ ghi nợ, bảo đảm việc thu phí tuân thủ theo đúng quy định. Theo đó, đơn vị chấp nhận thẻ cần công khai, minh bạch các loại phí, mức phí khi ký kết hợp đồng mở thẻ với khách hàng hoặc khi có thay đổi các loại phí; kịp thời thông báo thông tin cập nhật về biểu phí, mức phí dịch vụ thẻ ghi nợ đến khách hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thực hiện niêm yết công khai lãi suất thực tế cho vay qua TTD; giải thích và trả lời các thắc mắc của khách hàng. |