Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấm chỗ này, lách chỗ kia

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 10/1, hàng ngàn hiệu vàng nhỏ lẻ sẽ phải chấm dứt hoạt động kinh doanh vàng miếng. "Sân chơi" vàng miếng sẽ được chuyển giao lại cho 14 doanh nghiệp và 17 tổ chức tín dụng với khoảng hơn 2.400 chi nhánh kinh doanh trên cả nước.

Mạng lưới chi nhánh của các đơn vị được cấp phép này chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, điều này khiến nhiều người lo ngại về việc thị trường vàng chợ đen sẽ xuất hiện khi cung không đáp ứng đủ cầu. 

Sẵn sàng "chia tay" vàng miếng

Ngày 8/1, chủ kinh doanh tại một số cửa hàng vàng nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Nội đều đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng dừng kinh doanh vàng miếng. Tại cửa hàng vàng Phú Sinh (Cầu Giấy, Hà Nội), dù báo giá vàng miếng SJC vẫn xuất hiện nhưng chủ cửa hàng này cho biết, hơn 3 tháng nay, số lượng giao dịch vàng miếng tại cửa hàng gần như không có. Hiện, cửa hàng chủ yếu kinh doanh vàng nhẫn và gia công trang sức. Chung số phận phải dừng hoạt động kinh doanh vàng miếng, nhưng nhân viên cửa hàng vàng Hoàng Tín trên phố Nguyễn Thái Học cho biết, còn ngày nào chưa đến hạn thì vẫn phải giao dịch bình thường để bán hết số vàng SJC đang còn tồn trong quỹ.

Trong khi các cửa hàng vàng nhỏ lẻ đủng đỉnh chờ giờ G thì một số tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp được kinh doanh vàng miếng đã trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng. 

Cấm chỗ này, lách chỗ kia - Ảnh 1

Khách hàng giao dịch vàng miếng tại một chi nhánh của SBJ.Ảnh: Trần Việt

Từ ngày 10/1, khách đến giao dịch tại Tienphong Bank có thể mua bán hoặc gửi ngân hàng giữ hộ vàng vật chất. Loại vàng giao dịch bao gồm vàng SJC 1 lượng, nhẫn 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, 10 chỉ của Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji. Theo đại diện Tienphong Bank, đơn vị này sẽ đảm bảo nguồn vàng và giá mua bán tốt nhất, khách hàng không phải chờ đợi ngay cả trong những ngày cao điểm. Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) cũng là "gương mặt mới" được tham gia kinh doanh vàng miếng. Theo đó, ngân hàng sẽ triển khai mua bán và giữ hộ vàng tại 116 điểm giao dịch trên toàn quốc. 

Lo ngại về thị trường vàng chợ đen

Từ ngày 1/10, khoảng 8.000 cửa hàng được mua bán, kinh doanh vàng miếng sẽ chỉ còn 2.456 điểm giao dịch, bằng khoảng 1/4 so với trước đó. Theo lãnh đạo một ngân hàng, người dân sẽ được lợi khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy hoạch việc kinh doanh vàng cho các ngân hàng, công ty kinh doanh có tư cách pháp nhân, thương hiệu. Tuy nhiên, chị Nguyễn Hà Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, đúng là với người dân các thành phố lớn sẽ được lợi hơn, vì mua bán tại các ngân hàng, doanh nghiệp vừa an toàn, vừa yên tâm về chất lượng. Ngược lại, "với những người dân ở một số vùng quê, không có điểm giao dịch vàng nào của các đơn vị trong danh sách được cấp phép, muốn mua một cây vàng phải đi hơn 50 cây số xuống thành phố. Bất tiện lắm"- chị Phương nói.

Trong số hơn 2.000 điểm mua bán vàng vừa được cấp phép, thì TP Hồ Chí Minh có khoảng 900 điểm và Hà Nội khoảng 400 điểm giao dịch. Như vậy, tại 59 tỉnh thành còn lại trên cả nước chỉ có hơn 1.000 điểm giao dịch vàng miếng. Đó là chưa kể, có những vùng gần như không có sự hiện diện của mạng lưới được cấp phép này. Điều này dễ dẫn đến tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu, câu chuyện "lách" luật sẽ có thể lại diễn ra. 

Nhiều chủ kinh doanh vàng cho rằng, khi cung không đáp ứng đủ cầu thì câu chuyện cấm chỗ này, lách chỗ kia ắt sẽ diễn ra. "Như thị trường ngoại tệ, muốn mua trong ngân hàng, người mua phải đáp ứng đủ điều kiện. 

Không mua được ngân hàng, thì ra thị trường chợ đen mua. Cho nên, về hình thức là đưa về ngân hàng nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Thị trường vàng cũng vậy. Bên cạnh lo ngại xuất hiện thị trường vàng chợ đen thì một chiêu "lách" luật đã được các doanh nghiệp lớn công khai áp dụng là "hô biến" vàng miếng thành nhẫn tròn trơn. Về hình thức, nhẫn tròn trơn được coi là vàng trang sức, nhưng tính thanh khoản của nó thì vẫn cao. Và các cửa hàng nhỏ lẻ lại ung dung bán nhẫn tròn trơn thay vì kinh doanh vàng miếng.

Thêm 7 đơn vị được cấp phép kinh doanh vàng miếng

Ngày 8/1, NHNN đã cấp bổ sung giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng cho 5 tổ chức tín dụng và 2 doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện là Seabank, MB, SHB, MHB, Oceabank, Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Vietinbank. Bảy đơn vị này có 41 điểm giao dịch mua, bán vàng miếng tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ.