Cấm chửi bậy, nói tục trong chung cư: Bộ Xây dựng đang nhầm vai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 02/2016/TT - BXD hướng dẫn quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó có nội dung nghiêm cấm người dân nói tục, chửi bậy.

Không chỉ người dân, ngay cả các chuyên gia cũng cho rằng đây là một sự lý tưởng hóa, thiếu thực tế của người làm văn bản.

“Mang tiếng” chung cư

Theo Thông tư số 02/2016/TT - BXD của Bộ Xây dựng, người dân sống trong các nhà chung cư (NCC) không được nói tục, chửi bậy và có thể bị xử phạt bởi hành vi đó. Đã đành rằng nói tục chửi bậy là không nên, thế nhưng đưa hành vi đó vào khung xử phạt lại không dễ dàng, thậm chí mang tính thúc ép, cứng nhắc và rất không khả thi. Bởi trước hết, chưa có một quy định, luật lệ rõ ràng thế nào là nói tục, chửi bậy, từ ngữ nào thì là bậy, căn cứ vào đâu để phán xét từ ngữ đó là tục. Hơn nữa, như GS. TSKH Đặng Hùng Võ phản biện: “Sao không cấm cả ở các khu biệt thự, liền kề, nhà phố, ngõ ngách... mà chỉ cấm ở chung cư? Chẳng nhẽ chỉ ở chung cư mới cãi nhau, chửi bậy? Chẳng nhẽ cứ nhắc đến chung cư là có cái xấu, cái thô thiển?”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng Nguyễn Trọng Ninh cho biết, các hành vi như cấm gây mất an ninh, trật tự, nói tục, chửi bậy, cãi nhau... được Bộ Xây dựng đưa vào mẫu nội quy trong Thông tư 02 chỉ có mục đích hướng dẫn Ban quản trị đưa ra các nội quy phù hợp cho tòa nhà của mình, chứ không phải quy định pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước. “Ban quản trị có thể tự thêm hoặc bớt các hành vi cho phù hợp với dân trí khu nhà”. Đây cũng chính là điều khiến dân chung cư “rầu lòng” nhất với Bộ Xây dựng. Anh Đỗ Minh Nhất, sống tại chung cư Hồ Gươm (Hà Đông) thắc mắc: “Bộ khu biệt NCC là nơi dân trí thấp, thiếu văn hóa hay Bộ chọn NCC làm thí điểm mô hình quản lý cư dân kiểu mới?”.

Mặt khác, nói cấm liệu có thể cấm? Liệu có xử phạt được không những hành vi, ngôn ngữ có thể lặp đi lặp lại hàng trăm ngàn lần mỗi ngày trong cả một cộng đồng dân cư như NCC? Giả sử thực thi điều luật ấy, ai sẽ là người kiểm soát và ai có thể đứng ra xử phạt? Đại diện Ban quản trị cụm chung cư số 14, khu đô thị Việt Hưng (Long Biên) nói: “Kể cả có đưa vào nội quy, vài thành viên Ban quản trị cũng không thể đủ sức theo dõi cả cộng đồng để bắt phạt những lỗi lắt nhắt như thế được. Mà xử phạt có khi còn bị người dân phản ứng dữ dội, nảy sinh thêm mâu thuẫn, rắc rối”. TS Xã hội học Phạm Văn Quyết cho rằng: “Chỉ nên khuyến khích người dân nói chung giảm bớt, tiến đến bỏ hẳn thói quen nói tục để làm đẹp văn hóa của chúng ta. Còn nói cấm người dân chung cư văng bậy thì đúng là… viển vông”.

Bỏ việc mình, ôm việc của người

TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam  cho rằng, chức năng của Bộ Xây dựng là quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, không nên đi quá sâu sát, quy định cụ thể về quy cách, lối sống của từng chủ sở hữu. Thật vậy, lời ăn tiếng nói là nếp văn hóa, là trách nhiệm của ngành văn hóa, là lĩnh vực nằm ngoài chuyên môn cũng như trách nhiệm của Bộ. Việc ban hành những quy định quá chi tiết như vậy dễ khiến người dân lầm tưởng Bộ đang nhiêu khê, thậm chí biến NCC thành những ngôi trường nội trú với đủ loại cấm đoán, xử phạt. Anh Nguyễn Trọng Cảnh sống tại chung cư The Spark (Hà Đông) nói: “Chúng tôi mua nhà chung cư chứ không thuê, xin của ai. Sống tại nhà mình mà lúc nào cũng nơm nớp sợ này sợ kia thì còn ai muốn mua chung cư nữa”. Bên cạnh đó, việc quản lý NCC còn cần Bộ Xây dựng phải sâu sát thực tế hơn, giải quyết những vấn đề thiết thân, cấp bách hơn cho người dân. Ví dụ như vấn đề thường gặp nhất, gây bức xúc cho cư dân nhất là rất nhiều chủ đầu tư đang “om” quỹ bảo trì, hay chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý để giao nhà, làm sổ đỏ cho người mua… Đó mới chính là những vấn đề cần Bộ Xây dựng “xắn tay” vào cuộc, siết chặt quy định, đẩy mạnh thanh kiểm tra, bảo vệ lợi ích cho người dân. Anh Nguyễn Tiến Dũng (Hoàng Mai) nói: “Có lẽ khi viết Thông tư 02, Bộ Xây dựng muốn ôm hết các vấn đề về không gian sống vào một văn bản mang tính quy định. Nhưng có cảm giác như chuyên viên của Bộ không đi sâu vào thực tế cuộc sống nên ôm cả những cái không phải việc của mình”.

Các chuyên gia xã hội học nhận định, việc cấm và xử phạt hành vi nói tục, chửi bậy trong NCC là vô kế khả thi, kể cả có được Hội nghị NCC chấp thuận thì đi vào thực hiện cũng sẽ không có hiệu quả. Thay vì “đá trái chân”, quản lý hành vi, tâm lý con người, Bộ nên tập trung vào chuyên môn Xây dựng của mình. Ngoài ra, trong Thông tư 02 còn có các quy định về tiếng ồn, hoạt động, chơi đùa tại diện tích sử dụng chung… Các quy định này nên để Hội nghị NCC tự bàn bạc, thống nhất. Thực tế, sống tại chung cư có rất nhiều tiểu tiết mà nếu không giữ ý ngay từ đầu, cộng đồng dân cư có thể phát sinh mâu thuẫn với nhau trong nội bộ, ví như việc mở nhạc to, hoạt động tầng trên gây ồn tầng dưới… Có thể đưa các vấn đề này ra để Hội nghị NCC đồng thuận tạo thành quy định cụ thể, có hình thức xử phạt người gây mất trật tự, an ninh chung của cộng đồng. Về các hành vi nói tục, chửi bậy trong NCC, cả các chuyên gia lẫn người dân đều thống nhất cho rằng, nên khuyến khích người dân tự ý thức, tiết giảm cho đến từ bỏ thói quen xấu này. Nếu thực sự xử phạt lỗi văng bậy, rất có thể NCC sẽ biến thành một “trường dòng trung cổ” mà không ai muốn đặt chân vào nữa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần