Đây là những tâm sự được cô giáo dạy Toán, trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành “gói” trong bức thư gửi tới các em học sinh lớp 7A2 nhân ngày 20/11. Bức tâm thư không những đã chạm sâu tới trái tim của các em học sinh và của những phụ huynh lớp 7A2.
Là phụ huynh có con học lớp 7A2, anh Đ.A. cho biết,bức thư của cô giáo đã làm rung động trái tim của biết bao phụ huynh. Đọc xong thư, nhiều phụ huynh đã chia sẻ như muốn nhắn nhủ, mỗi người hãy luôn biết trân trọng những những giá trị cao đẹp của cuộc sống, đặc biệt ghi nhớ truyền thống “tôn sư trọng đạo"- một trong những truyền thống vô cùng cao cả, đáng trân trọng, không gì sánh được.
Còn chị Nguyễn Linh Chi - mẹ của học sinh trong lớp chia sẻ: ”Đọc thư cô mà cảm động không kìm được nước mắt. Hy vọng các con hiểu và đón nhận cô để đi được quãng đường xa hơn”. Còn chị Ngọc Trâm cũng cho biết: "Mình vừa đọc thư của cô xong, xúc động đến trào nước mắt”.
Nội dung bức thư cô giáo dạy Toán - trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành viết:
Chào các bạn nhỏ của cô! Lâu lắm rồi cô mới lại có cảm giác háo hức xen lẫn niềm hạnh phúc khi biết rằng mình đang được viết thư gửi cho một ai đó. Đặc biệt hơn, đây không phải là bức thư gửi tới một người mà gửi cho rất nhiều người.
Ngày 20/11 thường là ngày các con dành những lời tri ân, tình cảm gửi tới các thầy cô, nhưng cô lại nghĩ ngược lại. Cô cũng muốn thể hiện tình cảm của mình và gửi lời cảm ơn các con. Năm học 2020-2021 là một năm khá đặc biệt với các con, khi có sự thay đổi giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn. Cô nghĩ là quãng thời gian đầu chúng ta làm quen với nhau khá là không êm đềm. Sao có một cô giáo khó tính đến thế, mắng học sinh nhiều đến thế (mắng từ X tới Y, từ Y tới Z). Chắc hẳn cô An và môn Toán khi ấy là nỗi ám ảnh của nhiều bạn trường N.T.T.
Nhưng thời gian qua đi, thầy trò dần hiểu nhau hơn. Các con cũng dần quen với những áp lực và yêu cầu mà cô đặt ra. Và một cách thật tự nhiên, cô dần yêu mến lớp mình lúc nào cũng không hay. Các con cũng đã thay đổi đáng kể. Một Phương Linh, Vi Bằng trở nên yêu môn Toán. Một Mai Khôi rất nổi bật môn toán của năm lớp 6, ngày đầu lớp 7 bị cô “chê”, “phê bình”, còn phụng phịu giận dỗi cô, giờ đã vui vẻ tiếp thu và luôn là thành viên tích cực phát biểu của lớp. Một Nam Anh những ngày đầu năm cứ lên bảng là chỉ đứng ngắm bảng, nay cục phấn nếu đã được giao vào tay bạn thì chắc chắn hao mòn vì đã bạn đã giải quyết các vấn đề tốt hơn rất nhiều rồi. Hay như Phương Vy ngày xưa, cô thấy cứ cúi gằm mặt, thế mà giờ nhiều lúc con còn mạnh dạn xung phong lên bảng làm bài. Cô cũng không thể nào quên hình ảnh cô gọi Đào Nhật Minh lên bảng. Bạn không làm được bài mà giọng run bần bật, đôi tay cũng run lên khi cầm phấn. Nhưng khi về chỗ bình tĩnh, lát sau bạn lên bảo “Cô ơi! Giờ con hiểu và biết cách làm được bài này rồi ạ!”. Còn nhiều những gương mặt khác, các con đã đem đến sự tin tưởng rằng, những mầm nhỏ này mình sẽ gieo trồng nở hoa.
Cô muốn nói là cô suy nghĩ về lớp mình rất nhiều! Theo các con, mỗi buổi học, cô đặt chân vào lớp với tư cách gì? Hoàn toàn không phải với tư cách là một người giáo viên “giảng dạy, dạy dỗ”, không phải với tư cách một hình mẫu hoàn hảo, không phải một người đã từng là con ngoan trò giỏi. Cô đến lớp với tâm thế trước tiên là một người bạn lớn của các bạn nhỏ, là người có kinh nghiệm từng trải, những vốn sống và cả sự vấp ngã chắc chắn là dày dặn hơn các con rất nhiều. Vì lẽ đó, cô biết các con bây giờ cần lắm những bàn tay nâng đỡ. Các con hãy tin cô có thể sẽ là một người “dẫn đường” đủ tốt, đủ sáng suốt cho các con bước theo sau.
Khi cô đối diện với các con trên lớp, cô phải thực hiện rất nhiều sự quan sát. Cô quan sát 47 gương mặt, quan sát những gì đang diễn ra trên mỗi trang vở, dưới mỗi nét bút. Và cô luôn cảm thấy, cô quan sát chưa đủ để hiểu các con đang cần cô giúp đỡ như thế nào. Có những lúc cô cảm thấy thực sự buồn trong lòng khi với một số bạn, cô đã phải ở trong tình trạng gần như là gọi và “ép” các con trả lời cho ra được vấn đề. Cô thấy còn chưa kết nối được với nhiều bạn, điều đó khiến cô phải trăn trở nhiều.
Làm thế nào để các con yêu thích môn học, làm thế nào để các con cảm thấy việc học Toán một cách tự nhiên, nhẹ nhàng như hơi thở cuộc sống. Thực sự là khó. Khi trong tay cô thời gian hạn hẹp, kiến thức cứ ngày một chồng kiến thức, khi nhiều hoạt động, ý tưởng của cô buộc phải dẹp sang một bên vì thiếu thời gian. Và cũng thực sự khó vì lớp mình hãy còn là “những chú ngựa hoang”, với rất nhiều vẻ đẹp hoang dại nhưng cũng cần được tiết chế lại.
Cô có quan điểm sống đó là hãy nhìn vào những điểm tốt đẹp của những người xung quanh mà sống. Và hãy luôn tự tìm kiếm, tự tạo cho mình những nguồn năng lượng tích cực. Chuyện học tập cũng vậy. Cô nghĩ các con đều biết có tới tận 8 loại trí thông minh phải không?. Cô tin là mỗi thành viên trong lớp 7A2 đều thông minh theo một kiểu rất riêng.
Đơn cử như khi cô đọc được bài văn các con viết trên Teams nộp cho cô Thái, cô thực sự thấy ngưỡng mộ vì các con viết hay quá. Tuổi cô bằng các con, cô không viết được như vậy. Hay khi nhìn vào bảng điểm thi giữa kỳ của lớp, cô luôn quan sát xem cả điểm môn Văn và Tiếng Anh của các con như thế nào. Cô không nghĩ, môn Toán cô dạy là quan trọng nhất. Thật tuyệt vời khi có những bạn hơi yếu môn Toán nhưng lại rất khá môn Văn hay Tiếng Anh. Thế thì tại sao vẫn phải học Toán? Rõ ràng, vì chúng mình sẽ phải thi vào cấp 3, đúng không nào? Đặc biệt với những bạn còn yếu môn Toán, nếu các con vượt lên được môn Toán thì đó cũng là một lần các con chiến thắng được bản thân.
Các con là những mầm nhỏ mà cô luôn nghĩ sẽ cần phải được gieo trồng, tưới tắm để nảy nở.
Cô không bao giờ muốn “’dán nhãn” các con là lười học, ì ạch thụ động, không có chút nhận thức gì sâu sắc về thế giới và cuộc sống. Các con cũng hãy tự tạo ra động lực, đam mê cho bản thân. Cô đã từng nhấn mạnh trên lớp, với cô, việc cố gắng học tập không phải hướng tới đích đến điểm số, không phải hướng tới vô vàn kiến thức ngoài kia, mà chúng ta học để trở thành những người có văn hóa, hiểu được lẽ đúng lẽ sai, biết ước mơ, dám nghĩ dám làm dám chịu, và biết đóng góp những điều tốt đẹp cho cộng đồng.
Cô rất muốn làm một người giáo viên dùng tình yêu dạy học trò. Cảm ơn 7A2 vì cuối cùng đã đón nhận cô. Các con hãy là những người chủ nhà an tâm, hiếu khách, nồng nhiệt mở cánh cửa để cô giao gói kiến thức. Hãy là những cậu bé, cô bé đam mê, hạnh phúc vì “được học”.
Cô từng đọc cho các bạn 7A3 nghe một câu nói, và bây giờ cô tặng lại lớp mình: "Đừng bị ấn tượng bởi tiền bạc, số môn đồ, bằng cấp, và danh xưng. Hãy ấn tượng với những tấm lòng tử tế, chánh trực, khiêm cung, và rộng lượng"
Trở thành một cô giáo, cô chỉ luôn tâm niệm hai chữ “chân thành” cho mối quan hệ cô trò. Cô mong các con cũng sẽ tâm niệm, mình sẽ trở thành những con người có tấm lòng tử tế, chánh trực, khiêm cung và rộng lượng,
Điều cuối cùng, cô muốn nói, cô thực sự hạnh phúc vì được đứng lớp 7A2. Cô trò mình sẽ còn rất nhiều việc cần phải làm với nhau. Hãy tin yêu, hãy rộng mở, hãy phấn đấu nỗ lực, chúng ta sẽ nhận được những điều tốt đẹp.