Cấm ghi chú "quá hạn" vào giấy khai sinh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu cán bộ làm thủ tục đăng ký khai sinh mà đóng dấu ghi chú "đăng ký quá hạn" với người đi làm chậm, mà bị phản ánh sẽ bị xử lý.

Thông tin trên được ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp cho biết tại buổi họp báo sáng nay (8/4).

Một vấn đề liên quan đến việc đăng ký khai sinh đã gây bức xúc cho người dân, khi họ đi làm chậm khai sinh cho con so với quy định thì bị đóng dấu ghi chú "đăng ký quá hạn" lên tờ khai sinh. Việc làm này vô tình đã "bôi nhọ" lên tờ khai sinh của công dân và sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến cả quá trình sau này của họ.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Theo ông Nguyễn Công Khanh, có những nơi cán bộ hộ tịch không chỉ đóng dấu "đăng ký quá hạn" lên giấy khai sinh với người đi làm thủ tục chậm, mà có trường hợp cán bộ còn đóng cả dấu "làm đúng thời hạn" lên giấy khai sinh. Để giải quyết những bất cập trên, Bộ Tư pháp đã có Thông tư 09b/2013 hướng dẫn, trong đó có việc không được đóng dấu chậm quá hạn lên giấy khai sinh, khai tử.

Với giấy khai sinh, khai tử đăng ký đúng hạn thì mục ghi chú bỏ trống, không cần ghi chú “đăng ký đúng hạn” như trước đây. Việc ghi chú trên giấy khai sinh, khai tử chỉ thực hiện trong các trường hợp đăng ký lại (kể cả khai sinh, khai tử), cấp lại bản chính giấy khai sinh hoặc ghi vào sổ việc khai sinh đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Công Khanh, Thông tư 09b/2013 của Bộ Tư pháp đã có hiệu lực thực thi từ ngày 5/7/2013.

 
Theo hướng dẫn trước đây, khai sinh cho con sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày trẻ sinh ra bị xem là khai sinh chậm trễ. Bên cạnh việc bị xử phạt vi phạm hành chính, tại mục “ghi chú” trong giấy khai sinh của trẻ có thêm câu “đăng ký quá hạn”. Tương tự, việc khai tử quá hạn cũng bị ghi chú “đăng ký quá hạn” trên giấy chứng tử.