Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cám ơn cụ Mơ!

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, câu chuyện của cụ Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi ở huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đến xin chính quyền được thoát nghèo đã thu hút sự chú ý của cả cộng đồng.

 Cụ Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi ở huyện Thường Xuân (Thanh Hóa)
Trong clip được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, cụ Mơ nói rằng: “Tôi ở một mình thoải mái, thích ăn gì thì ăn, thích tiêu gì thì tiêu, đất rộng mấy sào, nghèo là nghèo răng? Tôi có 11 người con, mà nói không nơi nương tựa, nói thế không khác gì bêu con. Tôi có rất nhiều chỗ nương tựa, nhưng tôi chưa phải nương tựa đến. Tôi xin phép Ủy ban cho tôi trả lại sổ hộ nghèo. Tôi xin thoát nghèo”.
Câu nói của cụ sẽ khiến nhiều người phải suy ngẫm: “Tôi không nghèo tại sao cứ để tôi nghèo? Cụ khẳng định rất rõ ràng rằng, cụ không những không nghèo mà cuộc sống rất thảnh thơi “thích ăn thì ăn, thích tiêu thì tiêu”, “ăn” và “tiêu” bằng chính sức lao động của mình, trồng rau, nuôi gà và bán rau ngoài chợ.
Hành động và suy nghĩ của cụ Mơ đã nói lên nhiều điều. Cái nghèo về vật chất có thể khó định nghĩa, nhưng đáng lo là cái nghèo về ý chí, nhân cách. 83 tuổi, cái tuổi an dưỡng tuổi già, dù có nhiều nơi nương tựa, nhưng cụ vẫn chưa thấy mình cần phải tựa vào ai mà vẫn hăng say miệt mài lao động, làm ruộng, trồng rau, nuôi gà. Thật đáng khâm phục!
Câu chuyện của cụ Mơ chắc hẳn sẽ làm nhiều người cảm thấy xấu hổ. Bởi thực tế, vẫn còn những trường hợp đang trong độ tuổi lao động, sức dài vai rộng nhưng vẫn tìm đủ mọi cách để được công nhận hộ nghèo, rồi chuyện ganh đua, kiện cáo nhau không hiếm. Họ chỉ đơn giản xem đó là một sự ưu đãi, một sự lợi thế mà không nhận ra muốn thoát nghèo trước hết phải thoát nghèo từ tư tưởng, bằng ý chí và nghị lực của chính mình.
Thậm chí, ở nhiều nơi, cán bộ xã, huyện còn tìm cách đưa người thân vào danh sách hộ nghèo để hưởng chính sách. Vẫn còn tình trạng ăn bớt ăn xén các phần quà, tiền hỗ trợ cho hộ nghèo, và cả chuyện cả đàn dê, bò, nhím đi lạc vào “nhà quan” và họ hàng “nhà quan”. Ngay như mới đây nhất, tại Hà Nội, 12 cán bộ Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội ăn chặn quà từ thiện được báo chí phanh phui khiến dư luận không khỏi cảm thấy sốc và căm phẫn. Những vụ việc trên, ngoài nguyên nhân do cơ quan, đơn vị lơi lỏng kiểm tra, giám sát, thì nguyên nhân chính là lòng tham của cán bộ, là sự khuyết tật về nhân cách của một số người.
Cũng chính vì vậy mà bài học của cụ Mơ đã nhanh chóng chạm vào trái tim của nhiều người. Cụ sống vui vẻ, tự tin, không phải nương tựa vào ai khi mình có đất, có vườn và còn sức lao động. Cụ đã sống một cuộc đời đẹp đẽ đáng sống. Năng lượng tích cực của cụ đã làm rất nhiều người khác ngưỡng mộ, trân trọng. Cụ đã dạy cho nhiều người khác về lòng tự trọng, về sự lương thiện, tử tế, không tham những cái không thuộc về mình. Hành động giản dị đó của cụ đã trở thành câu chuyện đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà có lẽ chính cụ bà cũng không ngờ tới. Nhiều người sẽ phải thầm cám ơn cụ Mơ khi giật mình nghĩ lại những hành động chưa đẹp của mình.