Hạnh phúc khi được cho đi
Kiều Sĩ Nguyên sinh năm 1991, tại thôn 5, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất. Anh hiện đang làm Bí thư Chi đoàn thôn và từng đảm nhiệm vị trí Phó trưởng Thôn 5. Là một thanh niên năng động, nhiệt tình, ở tại địa phương, Nguyên được bạn bè, làng xóm dành nhiều tình cảm yêu quý và tín nhiệm. Đặc biệt, anh còn được nhiều người cảm phục bởi đã có 59 lần tình nguyện hiến máu cứu người.
Nhớ lại lần đầu tiên tham gia hiến máu, Kiều Sĩ Nguyên chia sẻ, đó là vào khoảng tháng 3/2011, trong một lần cùng nhóm bạn đi chơi, khi qua cổng Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình được các bạn sinh viên tình nguyện mời vào tham gia Lễ hội Xuân hồng. Sau khi nghe tư vấn, tuyên truyền về lợi ích của việc hiến máu, được kiểm tra sức khỏe thấy mình đủ điều kiện nên anh đã không ngần ngại đồng ý tham gia ngay.
Thời gian đầu vì công việc bận rộn, cộng thêm khoảng cách xa nên anh không thể hiến máu thường xuyên, mà chỉ khi có đợt hiến máu do Hội Chữ thập đỏ huyện phát động thì mới có thể tham gia. Nhưng kể từ năm 2021, anh Nguyên bắt đầu hiến máu và tiểu cầu thường xuyên hơn.
“Hiến máu toàn phần thì sau 3 tháng mới có thể hiến lại được, nhưng hiến tiểu cầu chỉ cần khoảng 3 tuần. Vì vậy, cứ đều đặn 3 tuần một lần tôi lại đi xe hơn 30 km đến Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư để hiến tiểu cầu” - Nguyên cho hay.
Để nguồn máu hiến của mình được tốt, giúp được nhiều người nối dài sự sống, Nguyên rất quan tâm đến chế độ ăn uống, hạn chế rượu bia, duy trì luyện tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe…
Tôi hạnh phúc với việc mình đã và đang làm - đó là hiến máu cứu người. Vì vậy, nếu sức khỏe cho phép, tôi sẽ tiếp tục với việc làm của mình, để số lần hiến máu cứu người của bản thân không dừng lại ở con số 59” – Nguyên khẳng định.
Chia sẻ về nghĩa cử cao đẹp của mình, Nguyên cho biết, chỉ cần chia sẻ mỗi lần một lượng máu của mình thì có thể hỗ trợ, giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch và có thể cứu được mạng sống của họ. Do đó, khi thấy các bệnh nhân cần nguồn máu để phẫu thuật hoặc chữa bệnh thì tôi luôn sẵn sàng chia sẻ. Chỉ mong những giọt máu cho đi có thể kịp thời cứu sống người bệnh, gieo thêm trong lòng người dân niềm tin, lòng nhân ái, sự sẻ chia trong cuộc sống, tô đẹp thêm truyền thống “tương thân tương ái”, thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Đây là một điều mà không một vật chất nào có thể đánh đổi được.
Lan tỏa việc tốt cho cộng đồng
Thời gian đầu, do chưa có kiến thức về hiến máu tình nguyện, nên gia đình không đồng tình với việc Nguyên thường xuyên hiến máu vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Anh đã mất nhiều công giải thích, thuyết phục để mọi người trong gia đình hiểu cho việc làm của mình. Và sau vài lần hiến máu, sức khỏe cải thiện tốt hơn, lại làm được việc ý nghĩa, giúp ích cho xã hội nên gia đình dần ủng hộ. Từ tấm gương tình nguyện hiến máu của mình, mỗi năm Nguyên còn vận động từ 30 – 50 người tham gia hiến máu cứu người.
Không những tích cực hiến máu cứu người, với vai trò là Bí thư chi đoàn, Nguyên đã phát huy, vận dụng tốt khả năng dân vận để vận động Nhân dân trong thôn đồng lòng ủng hộ thực hiện các phần việc cộng đồng ý nghĩa của địa phương, như huy động các thanh niên cùng tham gia góp sức với chính quyền giúp nhân dân kè đê, gặt lúa, gia cố nhà cửa để bảo vệ hoa màu của Nhân dân; vận động Nhân dân trong thôn tham gia các phong trào thi đua thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”; tổ chức bóc xoá biển quảng cáo rao vặt trên các cột điện, cây xanh…; tổ chức vẽ tranh bích hoạ tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới…
Với nghĩa cử cao đẹp, cùng những cống hiến cho địa phương, Kiều Sỹ Nguyên đã nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen của các Sở, ngành, Hội chữ thập đỏ, chính quyền địa phương. Đặc biệt, năm 2024, anh vinh dự được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.