Cầm “vàng” đừng để “vàng” rơi

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số “vàng” (người trong độ tuổi lao động nhiều gấp đôi người ngoài độ tuổi lao động), và sẽ trở thành nước có dân số già vào khoảng năm 2035.

Các chuyên gia cảnh báo, đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành đất nước “siêu già”.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, quá trình già hóa dân số của nước ta diễn ra chỉ trong 23 năm (2012 – 2035) rồi đạt đến ngưỡng dân số già, trong khi đó Pháp là 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Australia 73 năm, Mỹ 69 năm, Nhật Bản 26 năm. Điều này cho thấy nhịp độ già hóa ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn nhiều so với các nước đã phát triển, đồng thời cũng là một trong những nước già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực.
 Ảnh minh họa
Có thể nói, cơ cấu “dân số vàng” thực sự là cơ hội về mọi mặt để đất nước phát triển. Đó là cơ hội cải thiện sức khỏe, sử dụng nguồn nhân lực, cải thiện năng suất lao động, giảm gánh nặng an sinh xã hội. Nhưng thực tế, giai đoạn “dân số vàng”, Việt Nam đã tận dụng được “vàng” chưa khi số người trong độ tuổi lao động đang vô cùng dồi dào như hiện nay? Một con số đáng buồn, theo thống kê, hiện cả nước có đến 70% lao động chưa qua đào tạo; 70% dân số ở nông thôn mới sử dụng 40% thời gian cho sản xuất nông nghiệp, còn lại 60% là nông nhàn, lao động trẻ ở nông thôn đi tìm việc ở các TP đa phần làm lao động giản đơn. Về mặt lý thuyết, Việt Nam đang có lực lượng lao động trẻ dồi dào, nhưng việc sử dụng lao động chưa hợp lý. Kết quả điều tra của Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) về thu nhập, đời sống của người lao động trong các DN năm 2017 cho thấy một bức tranh đáng báo động hơn khi bình quân độ tuổi của người lao động trong các DN chỉ là 31,2. Trong đó, độ tuổi lao động trong ngành điện - điện tử chỉ là 26,9; dệt may - giày da là 29,5; chế biến - chế tạo là 30,9… Điều tra trên cũng cho thấy, thời gian làm việc bình quân tại một DN của người lao động chỉ là 6,7 năm. Và trong thời gian qua, việc các công ty ồ ạt sa thải người lao động ở độ tuổi ngoài 30 là một thực trạng đáng lo ngại.

Như vậy, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay là lực lượng lao động đông về số lượng nhưng yếu về chất lượng do thiếu trình độ tay nghề, kỹ năng quản lý còn nhiều bất cập. Ngoài tỷ lệ lao động tự do, chưa qua đào tạo thì một bài toán vô cùng nan giải, đó là tình trạng 20 vạn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.

Nhân tố con người là quan trọng, là vốn liếng của mỗi quốc gia và cơ hội “dân số vàng” chỉ phát huy tác dụng khi có nguồn nhân lực “vàng”. Thế nên mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, để không bỏ lỡ cơ hội của thời kỳ “dân số vàng” là một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XII lần này.