Theo ông Đàm Hải Vân, việc rùa biển xuất hiện ở vùng biển Hòn Mun cho thấy môi trường sinh thái biển vịnh Nha Trang đã tốt lên và các loài rùa biển có dấu hiệu quay về nơi sinh ra để đẻ trứng.
“Trong vòng đời phát triển, rùa biển trải qua nhiều môi trường sống khác nhau. Chúng bắt đầu từ những bãi cát ven biển, lớn lên ở vùng rạn san hô, cỏ biển ven bờ rồi trôi dạt theo dòng hải lưu ngoài đại dương. Đến mùa sinh sản, rùa biển sẽ trở lại vùng rạn san hô, cỏ biển để kết đôi và trở về đúng nơi chúng đã sinh ra để làm ổ, đẻ trứng” – ông Đàm Hải Vân cho biết.
Cũng theo Phó Trưởng BQL vịnh Nha Trang một con rùa biển mất 30 - 50 năm để tới giai đoạn trưởng thành, nhưng cứ 1.000 cá thể con mới có một con sống sót tới giai đoạn trưởng thành.
Hàng chục năm trước, rùa biển thường xuyên lên bờ đẻ trứng tại các bãi biển ven bờ và các đảo như Hòn Tre, Hòn Mun... Đặc biệt, khu vực Đầm Tre trở thành điểm đến quen thuộc của rùa biển, khi hàng năm từ tháng 4 đến tháng 9, chúng lại quay về đây để đẻ trứng. Tuy nhiên, số lượng rùa biển trưởng thành, có khả năng sinh sản sau đó đã suy giảm nhiều do sự săn bắt của con người; việc san lấp các công trình ven biển, trên các đảo để xây dựng các khu du lịch gây ô nhiễm nguồn nước.
Hiện vịnh Nha Trang chỉ còn duy nhất bãi rùa đẻ tự nhiên tại khu vực Bãi Bàng thuộc đảo Hòn Tre. Năm 2009, tại Đầm Tre đã phát hiện một cá thể rùa mẹ lên bờ đẻ 3 ổ trứng, các ổ trứng được ngành chức năng bảo vệ đến khi cá thể rùa con trở về với biển.
Tháng 8/2015, qua công tác khảo sát đa dạng sinh học trong vịnh Nha Trang, các ngành chức năng đã phát hiện một cá thể rùa biển trưởng thành tại Hòn Tre. Tháng 6/2016, phát hiện một ổ trứng tại bãi Đầm Tre. Đa số người dân được khảo sát đều nhìn thấy rùa biển xuất hiện trong Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Đây là dấu hiệu tích cực, cho thấy việc khoanh vùng bảo vệ bãi rùa đẻ hết sức cần thiết.
“Quá trình di cư kéo dài hàng tháng do rùa biển vừa di cư vừa kiếm ăn vào ban ngày, còn ban đêm sẽ vào các rạn san hô và rạn đá để nghỉ ngơi. Vì vậy, xác suất để rùa biển xuất hiện ở các vùng biển thường rất hiếm, đòi hỏi chất lượng nước vùng biển đó phải sạch và có nguồn thức ăn” – ông Đàm Hải Vân nhận định.
Ông Đàm Hải Vân cho biết thêm, để đảm bảo công tác bảo vệ các loài sinh vật biển nói chung, bảo tồn rùa biển nói riêng, BQL vịnh đã kiến nghị các cấp thẩm quyền rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn các loài rùa thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động điều tra, đánh giá, nghiên cứu về các loài rùa nguy cấp; xây dựng mô hình, thiết lập, quản lý hiệu quả các khu vực bảo vệ; hỗ trợ công tác cứu hộ; nhân nuôi bảo tồn các loài rùa nguy cấp; thiết lập mạng lưới và xây dựng cơ chế trao đổi thông tin về bảo tồn các loài rùa…
“Nếu thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn các loài rùa biển tại vịnh Nha Trang, tạo môi trường, sinh cảnh để rùa biển đến các bãi cát tại Bãi Bàng Lớn - Đầm Tre sinh sản như trước đây sẽ làm phong phú về đa dạng sinh học, tạo ra sản phẩm du lịch có giá trị cao ở vịnh Nha Trang” – ông Đàm Hải Vân nhận định.