Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Campuchia “chạm lằn ranh đỏ” Covid-19, Indonesia áp đặt phong tỏa một phần tại Jakarta

Nguyễn Phương (Theo AFP, Khmertimes)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia cảnh báo tình hình Covid-19 ở nước này đã "chạm tới lằn ranh đỏ”. Ngày 3/7, Indonesia áp đặt lệnh phong tỏa một phần tại thủ đô Jakarta, đảo Java và Bali.

Bộ Y tế Campuchia ngày 3/7 báo cáo nước này ghi nhận thêm 36 người không qua khỏi vì Covid-19, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp nước này ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 hàng ngày cao kỷ lục.
Trước đó một ngày, Bộ Y tế Campuchia báo cáo số người tử vong do Covid-19 ghi nhận mức cao chưa từng có kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát là 32 ca.
Trong ngày 3/7, Campuchia có thêm 948 ca nhiễm Covid-19. 
Trong vòng 2 tuần qua, Campuchia ghi nhận thêm khoảng 200 trường hợp tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 696.
Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế Campuchia, trong ngày 3/7, nước này có thêm 948 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 53.298 ca. Trong đó có tới 50.382 ca liên quan sự kiện cộng đồng 20/2, tên gọi của đợt bùng phát bị cho là xuất phát từ vụ 4 người Trung Quốc trốn cách ly ở Phnom Penh hồi giữa tháng 2.
Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia kiêm Chủ nhiệm Ủy ban tiêm chủng Covid-19 Or Vandine ngày 2/7 cảnh báo tình hình Covid-19 ở Campuchia đã "chạm tới lằn ranh đỏ" nên mọi người cần phải đoàn kết để ngăn chặn vương quốc vượt qua lằn ranh đỏ này.
Theo bà Or Vandine, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Campuchia đang rơi vào tình trạng quá tải do số ca nhiễm Covid-19 và tử vong cùng tăng cao.
Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 ở Indonesia cũng đang ở mức báo động. Ngày 3/7, Indonesia tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao kỷ lục hơn 25.000 trường hợp và 539 ca tử vong.
Đây là ngày thứ tám liên tiếp số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Indonesia ở mức trên 20.000 ca. Tính đến ngày thứ Bảy, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng hơn 2,2 triệu người nhiễm Covid-19 và 59.534 ca tử vong.
 Ngày 3/7, Indonesia chính thức áp đặt lệnh phong tỏa một phần tại thủ đô Jakarta. Ảnh: AFP
Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết, đợt bùng phát dịch trong thời gian gần đây chủ yếu là do biến thể Delta, khi chiếm hơn 80% số ca mắc Covid-19 mới tại quốc gia này.
Trước đó, trong ngày 2/7, Indonesia đã chứng kiến số ca mắc và tử vong mới vì Covid-19 cao kỷ lục. Cụ thể, nước này ghi nhận 25.830 ca mắc mới và thêm 539 ca tử vong - đều cao nhất từ trước tới nay.
Các trường hợp nhiễm Covid-19 tại Indonesia đã tăng vọt vài tuần sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid al-Fitr kéo dài. Hiện nhiều tỉnh thành trên cả nước đang phải căng mình ứng phó với tình trạng quá tải bệnh viện. Tỷ lệ kín giường bệnh tại các cơ sở được chỉ định chữa trị bệnh nhân Covid-19 hiện đã vượt 90% tại một số khu vực.
Ngày 3/7, Indonesia chính thức áp đặt lệnh phong tỏa một phần tại thủ đô Jakarta, đảo Java và Bali khi quốc gia Đông Nam Á này đang phải chống đỡ đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Chính quyền đã yêu cầu đóng cửa các đền thờ Hồi giáo, nhà hàng và trung tâm mua sắm tại các điểm nóng dịch Covid-19 trên khắp đất nước. Toàn bộ người lao động trong lĩnh vực không thiết yếu được yêu cầu làm việc tại nhà, trong khi trường học chuyển sang giảng dạy trực tuyến.
Với các biện pháp hạn chế mới ngăn dịch Covid-19 kéo dài từ ngày 3 - 20/7, Indonesia hy vọng có thể đưa số ca nhiễm hàng ngày xuống dưới 10.000 ca.
Trước đó ngày 1/7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp từ ngày 3 - 20/7 với các biện pháp nghiêm ngặt hơn tại 122 huyện và TP tại đảo Java và đảo Bali.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng các biện pháp cứng rắn hơn có thể vẫn chưa đủ để kiểm soát dịch bệnh.
“Các biện pháp hạn chế vẫn cho phép các phương tiện giao thông công cộng tiếp tục hoạt động, dù phải giảm công suất. Trong khi đó, các phương tiện đi lại bằng đường biển, đường hàng không và xe bus nội địa vẫn cho phép những người đã tiêm ít nhất một liều vaccine sử dụng. Liệu có gì để đảm bảo chắc chắn rằng người dân sẽ tuân thủ đúng quy định về khoảng cách khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng?" - nhà dịch tễ học người Indonesia Windhu Purnomo băn khoăn.