Sáng 30/8/2016, khu tưởng niệm các nghĩa sĩ trong vụ “Hà thành đầu độc” năm 1908 đã được khánh thành tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
27/6/1908 là ngày nổ ra vụ nổi dậy chấn động “Hà thành đầu độc”. Họ là binh lính, đầu bếp Việt trong quân đội Pháp cùng các thầy đồ, thầy lang, cô bán hàng... cùng chí hướng hợp sức góp phần đánh đổ đầu não cai trị thực dân, giành lại Tổ quốc. Họ là Đặng Đình Nhân, Nguyễn Trí Bình, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Văn Hiên, Cai Ngà… Mưu sự không thành, 18 người bị giặc chém đầu cho vào sọt tre bêu riếu. Hơn 60 quốc sĩ khác bị tù đầy, khổ sai. Nơi chứng kiến cuộc nổi dậy lịch sử ngày ấy, ghi dấu những ngôi mộ quốc sĩ trong vụ “Hà thành đầu độc” nằm trên nhiều địa bàn quận, huyện của Hà Nội. Hơn một thế kỷ trôi qua, những nơi ấy giờ phố xá sầm uất, các ngôi mộ nằm chen lấn trong khuôn viên của các gia đình Hà Nội. Sau rất nhiều cuộc họp bàn, hội thảo của các nhà sử học, các nhà văn hóa và cơ quan hữu quan của Hà Nội về phương án tôn tạo phần mộ của các chiến sĩ trong vụ “Hà thành đầu độc”, tháng 7/2016, phường Nghĩa Đô là địa phương đầu tiên thực hiện được ước nguyện này: Lần đầu tiên tại Hà Nội có được Khu tưởng niệm các nghĩa sĩ trong vụ “Hà thành đầu độc” - – nơi ăn sâu vào tiềm thức nhiều người với sự kiện pháp trường Bãi Bàng. Dù không gian tưởng niệm không rộng rãi nhưng cũng đủ thành kính, trang nghiêm. Trong buổi lễ khánh thành khu tưởng niệm, ông Đoàn Văn Tiến, con cháu cụ Nguyễn Văn Hiên xúc động khi sau từng ấy năm đã chính thức có được nơi hương khói cho các cụ. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Xây dựng tôn tạo được khu tưởng niệm các nghĩa sĩ trong vụ Hà thành đầu độc tại phường Nghĩa Đô là một việc làm đáng ghi nhận của Hà Nội với công ơn các chiến sĩ xả thân vì đất nước xưa kia. Tuy nhiên, cũng như những lần ý kiến trước, tôi đã gửi thư lên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, mong muốn quy tụ tất cả các ngôi mộ của các nghĩa sĩ trong vụ “Hà thành đầu độc” về một nơi, có thể trong khu tưởng niệm mới khánh thành này, chứ không để nằm rải rác như hiện nay. Có như vậy không chỉ thỏa ước nguyện tâm linh, mà giúp cho việc giáo dục lòng yêu nước với con cháu muôn đời sau”. Trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhiều đơn vị có liên quan từng bàn đến 2 phương án. Phương án 1 sẽ cấp đất để quy tập hai khu vực mộ các nghĩa sĩ ở quận Hoàng Mai và quận Cầu Giấy lại, xây dựng một khu tưởng niệm (với biểu tượng kỷ niệm quy mô nhỏ). Phương án 2 xây dựng Khu mộ các chiến sĩ vụ “Hà Thành đầu độc” tại Nghĩa trang Mai Dịch. Nhưng cả 2 phương án này đều chưa thành hiện thực. Hiện nay, cách khu tưởng niệm mới khánh thành vẫn còn tấm mộ chung chôn 9 nghĩa sĩ. Nhà sử học Dương Trung Quốc kể rằng ông đã từng nhiều lần thắp hương cho các cụ, và chỉ mong sao thế hệ mai sau không bao giờ được quên những bậc anh hùng đã bỏ mình vì nước.
Khu tưởng niệm các nghĩa sĩ trong vụ “Hà thành đầu độc” năm 1908. Ảnh: Trình Vũ |