Cần biện pháp mạnh để ngăn chặn sử dụng đất sai mục đích

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất dự án thuộc quy hoạch hằng năm bị "biến hình" thành nhà xưởng, khu đô thị, thậm chí là bãi rác. Việc sử dụng đất sai mục đích gây ra những hậu quả tiêu cực cho cả môi trường và xã hội.

Quản lý lỏng lẻo

Tình trạng sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp và đất dự án thuộc quy hoạch đã trở thành một vấn đề nhức nhối tại nhiều địa phương trên cả nước.

Đặc biệt, việc lấn chiếm và sử dụng đất nông nghiệp cho các mục đích phi nông nghiệp như xây dựng nhà xưởng, cơ sở kinh doanh trái phép, đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.

Tại một số huyện vùng ven Hà Nội, hàng loạt diện tích đất nông nghiệp đã bị biến thành các khu nhà xưởng tạm bợ. Nhiều DN nhỏ lẻ và hộ dân đã tự ý san lấp, đổ trộm chất thải để tạo mặt bằng xây dựng, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về sử dụng đất, như tại một số khu vực ven Đại lộ Thăng Long, hay ở một số huyện Hoài Đức, Chương Mỹ, Thường Tín… Hậu quả là đất nông nghiệp bị phá hoại, gây ảnh hưởng đến môi trường và giảm sút sản lượng nông nghiệp.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những sai phạm này không chỉ vi phạm quy định pháp luật về quản lý và sử dụng đất, mà còn gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho môi trường và xã hội. Việc sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp và đất dự án thuộc quy hoạch xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn yếu kém, thiếu sự giám sát chặt chẽ. Nhiều trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích diễn ra trong thời gian dài mà không bị phát hiện hoặc bị xử lý không kịp thời.

Một khu đất dự án bỏ hoang trên địa bàn xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng
Một khu đất dự án bỏ hoang trên địa bàn xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng

Điều này dẫn đến sự nhờn luật, các hành vi vi phạm ngày càng gia tăng và diễn ra phức tạp hơn. Sự chồng chéo và thiếu nhất quán trong hệ thống pháp luật về đất đai cũng là một nguyên nhân quan trọng. Nhiều quy định về quản lý và sử dụng đất đai còn mập mờ, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng để chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định. Chẳng hạn, tại một số địa phương, việc tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện dễ dàng hơn nhờ các lỗ hổng trong quy định pháp luật, dẫn đến tình trạng sử dụng đất sai mục đích ngày càng phổ biến.

Cùng với đó, ý thức của một bộ phận người dân và DN còn hạn chế. Việc chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế ngắn hạn mà không xem xét đến các tác động lâu dài đã khiến cho tình trạng vi phạm diễn ra tràn lan. Nhiều người sẵn sàng bỏ qua quy định pháp luật để kiếm lời, mặc dù biết rõ những hậu quả tiêu cực mà hành vi của họ có thể gây ra.

Đâu là “thuốc giải”?

Để ngăn chặn tình trạng sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp, đất dự án thuộc quy hoạch và bảo đảm sử dụng đất hiệu quả, bền vững cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, bao gồm cả việc hoàn thiện khung pháp luật, nâng cao năng lực quản lý và thay đổi nhận thức của cộng đồng.

Các chuyên gia cho rằng, việc tăng cường quản lý và giám sát là giải pháp quan trọng hàng đầu. Chính quyền địa phương cần chủ động hơn trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm. Đặc biệt, cần có các biện pháp giám sát thường xuyên và đột xuất, không để cho các đối tượng vi phạm có cơ hội lách luật. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực của các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý vi phạm.

Tiếp đến là hoàn thiện khung pháp luật về đất đai. Cần bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành để tạo ra một khung pháp luật chặt chẽ, minh bạch, đảm bảo việc quản lý, sử dụng đất đai được thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, tăng cường chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt là đối với những hành vi cố ý chiếm dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép.

Luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật Đất đai năm 2013 quy định rất rõ những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai bao gồm việc không sử dụng đất hoặc sử dụng đất sai mục đích. “Rõ ràng việc sử dụng không đúng mục đích đất nông nghiệp, đất thuộc quy hoạch dự án là hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Các quy định pháp luật hiện hành đều quy định rõ hình thức xử phạt đối với những hành vi này” – luật sư Bùi Đình Ứng phân tích.

Chuyên gia pháp lý này nhấn mạnh, trong những trường hợp đất nông nghiệp, đất thuộc quy hoạch dự án bị đem ra sử dụng sai mục đích, ngoài đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi thì chính quyền địa phương mà trực tiếp là Chủ tịch UBND các cấp nơi xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai phải chịu trách nhiệm.

“Điều 208 Luật Đất đai 2013 có quy định về trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai. Do đó, cần quy trách nhiệm cụ thể với địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu nơi xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai” - luật sư Bùi Đình Ứng nói và nhấn mạnh, đây là một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ đất nông nghiệp, đất thuộc quy hoạch dự án không bị sử dụng sai mục đích.

Rõ ràng chính quyền địa phương, lãnh đạo UBND các cấp không thể vô can khi để xảy ra tình trạng đất nông nghiệp, đất quy hoạch dự án bị sử dụng sai mục đích trên địa bàn. Sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, thậm chí là tiếp tay cho sai phạm.

Ngoài việc tăng cường công tác quản lý, giám sát và chế tài xử phạt, các chuyên gia cho rằng, việc hoàn thiện pháp luật, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai cũng là một giải pháp cần được chú trọng. Việc đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ có đủ kiến thức, kỹ năng và tâm huyết với công việc là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đất đai để tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và giảm thiểu tình trạng tham nhũng, tiêu cực.

Để giải quyết vấn đề ở gốc rễ, cần nâng cao ý thức của cộng đồng về tầm quan trọng của đất đai. Việc tuyên truyền, giáo dục về luật đất đai, về hậu quả của việc sử dụng đất sai mục đích cần được thực hiện thường xuyên và rộng rãi.

Một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý đất đai cho biết: “Chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và người dân trong việc giám sát và bảo vệ tài nguyên đất. Việc xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm sẽ là bài học răn đe cho những ai có ý định vi phạm. Việc xây dựng một cơ chế quản lý đất đai minh bạch và hiệu quả là yếu tố then chốt để ngăn chặn tình trạng sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp và đất dự án”.

 

Cần xây dựng các mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ đất đai, khuyến khích người dân giám sát và tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật. Quy hoạch sử dụng đất hợp lý là nền tảng để quản lý đất đai hiệu quả. Cần lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Quy hoạch cần được công khai, minh bạch để người dân và các tổ chức có cơ hội tham gia đóng góp ý kiến.