Theo Tổng Bí thư, có làm được như vậy thì dân mới tin, bởi phòng chống tham nhũng là việc cực kỳ phức tạp khó khăn vì liên quan tới lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, chủ nghĩa cá nhân, đụng chạm tới người có chức có quyền.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Thực tế, phòng chống tham nhũng đã được Đảng ta làm nhiều lần, coi là "quốc nạn", cần phải tiếp tục làm một cách kiên trì, quyết liệt, lâu dài. Việc thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng là bước thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa XI) và xuất phát từ yêu cầu khách quan là tạo bước chuyển biến mới, rõ rệt hơn nữa trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và lãng phí. Theo Tổng Bí thư, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị với cơ quan thường trực là Ban Nội chính T.Ư sẽ tạo cơ sở pháp lý và hiệu lực cao hơn trong việc phòng chống tham nhũng. Hơn nữa lần này có thuận lợi là toàn Đảng, toàn dân hết sức quan tâm; Đảng ta quyết tâm phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, Ban cũng phải chịu sức ép rất lớn vì sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Để đáp ứng sự trông đợi đó của cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư yêu cầu Ban Chỉ đạo phải là tập thể đoàn kết, từng thành viên trong Ban cần nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn; Tổ chức công việc chặt chẽ, làm việc nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm. Cơ quan thường trực là Ban Nội chính T.Ư phải sớm được kiện toàn, sắp xếp cán bộ theo hướng tinh, hiệu quả.