Cán bộ cơ sở còn... lơ mơ!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo lộ trình số hóa truyền hình, đến ngày 31/12/2015, địa bàn các quận, huyện của Hà Nội (cũ) sẽ ngừng phát sóng analog, chuyển hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất.

Truyền hình kỹ thuật số ngày càng gần gũi và phổ biến trong cuộc sống.                 Trong ảnh: Chọn mua đầu thu truyền hình kỹ thuật số.   	Ảnh: Nguyễn Hữu
Truyền hình kỹ thuật số ngày càng gần gũi và phổ biến trong cuộc sống. Trong ảnh: Chọn mua đầu thu truyền hình kỹ thuật số. Ảnh: Nguyễn Hữu
Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền số hóa truyền hình ở một số xã vẫn chưa được quan tâm đúng mức, cán bộ thông tin cơ sở còn rất... lơ mơ về lộ trình số hóa.

Xã “trắng” về tuyên truyền số hóa

Đã từng tham dự buổi tập huấn về số hóa truyền hình mặt đất do UBND TP Hà Nội và Bộ TT&TT tổ chức hồi tháng 11/2014, nhưng ông Trần Văn Kỳ - Trưởng đài Truyền thanh xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên vẫn chưa thực sự nắm rõ truyền hình kỹ thuật số là gì, có gì khác biệt giữa truyền hình kỹ thuật số và truyền hình tương tự... "Đó là lần tập huấn theo phương thức trực tuyến nên hiệu quả không cao, rất nhiều người chỉ dự nửa chừng rồi bỏ về" - ông Kỳ chia sẻ. Chính vì thế mà đa phần các cán bộ thông tin cơ sở dù đã qua tập huấn nhưng vẫn hoàn toàn "bỡ ngỡ" khi được hỏi: Truyền hình số là gì? Lợi ích của truyền hình số thế nào?...

Thực tế này cũng được bà Hoàng Thị Lan - Trưởng đài Truyền thanh xã Vân Từ, Phú Xuyên phản ánh trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị. Bà Lan cho biết, cả xã Vân Từ có 9 thôn và một khu dịch vụ với gần 6.000 người. Nhưng hiện nay, thông tin về số hóa truyền hình mới chỉ đến với các cán bộ xã, cán bộ thông tin cơ sở, chưa đến được với từng người dân. "Phải sau khi tham dự buổi tập huấn trực tiếp do Sở TT&TT Hà Nội tổ chức hôm 20/5 vừa qua, chúng tôi mới có thêm tư liệu để phát tuyên truyền cho bà con" - bà Lan nói.

Tương tự, xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) và xã Hùng Tiến (huyện Mỹ Đức) cũng là những điểm "trắng" trong công tác tuyên truyền số hóa truyền hình. Ông Đào Xuân Phái - Phó Chủ tịch xã Mỹ Hưng cho hay, sau buổi tập huấn ngày 20/5, xã Mỹ Hưng mới bắt đầu triển khai việc tuyên truyền số hóa, còn trước đó do chưa có tài liệu nên chưa thể triển khai.

Liên quan tới vấn đề này, bà Đặng Hồng Vân - Trưởng phòng Truyền thông, Sở TT&TT Hà Nội khẳng định, cuối năm 2014, Sở đã tổ chức in ấn, phát hành tài liệu, đĩa CD... về số hóa truyền hình và cấp phát đến các Phòng văn hóa cấp quận, huyện trên địa bàn TP. "Các Phòng văn hóa cấp quận, huyện đều đã nhận và có báo cáo đầy đủ về tài liệu tuyên truyền số hóa truyền hình. Với những điểm xã, phường chưa nhận được đầy đủ tài liệu tuyên truyền, chúng tôi sẽ yêu cầu Phòng văn hóa các huyện kiểm tra và có báo cáo cụ thể về Sở" - bà Vân nói.

Tránh kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”

Theo ông Trần Văn Kỳ (xã Văn Nhân, Phú Xuyên), nếu tổ chức các buổi tập huấn mà chỉ mời cán bộ xã, cán bộ Đài truyền thanh đến dự thì sẽ như "cưỡi ngựa xem hoa". Tuyên truyền qua Đài truyền thanh xã, phường là một kênh tốt nhưng ngoài ra nên có thêm các buổi tư vấn, giải thích tại từng thôn, cụm dân cư. "Tốt nhất là các báo cáo viên của Sở đưa máy móc, thiết bị về địa bàn dân cư để giải thích cho bà con hiểu rõ công nghệ truyền hình số khác gì truyền hình tương tự hiện nay..." - ông Kỳ kiến nghị.

Chia sẻ về trách nhiệm của các cán bộ thông tin cơ sở trong công tác tuyên truyền số hóa truyền hình, bà Đoàn Thị Hải - Trưởng đài Truyền thanh xã Đại Hùng, huyện Ứng Hòa cho biết, dù rất tâm huyết nhưng do còn thiếu tài liệu và hạn chế về kiến thức chuyên môn nên việc tuyên truyền của Đài Truyền thanh xã gặp một số khó khăn. Hiện nay, Đài Truyền thanh xã Đại Hùng đã được huyện Ứng Hòa đầu tư hệ thống loa không dây, máy vi tính, máy thu âm phục vụ công tác tuyên truyền trên địa bàn xã. Tuy nhiên, do thiếu nhân sự nên một Trưởng đài phải kiêm nhiệm nhiều việc, với mức lương là 1,6 triệu đồng/tháng. Những cán bộ thông tin cấp cơ sở như bà Hải mong muốn được xét "biên chế", được đóng bảo hiểm xã hội để có thể yên tâm gắn bó lâu dài với công việc. Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ thông tin cơ sở, giúp họ nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ tuyên truyền. "Trong 9 năm làm việc ở Đài Truyền thanh xã, tôi mới chỉ được tham gia 2 lần tập huấn, còn lại phải tự mày mò học hỏi kỹ thuật cắt, ghép băng, kỹ năng viết tin, bài" - bà Hải thành thật.

Thời gian từ nay đến ngày 31/12 không còn nhiều, để không còn những xã "trắng" trong công tác tuyên truyền số hóa truyền hình thì các quận, huyện, xã, phường, thị trấn... cần triển khai tuyên truyền rốt ráo hơn nữa. Nếu chỉ dừng lại ở một vài buổi tập huấn cho cán bộ xã, phường, phát tài liệu tại hội thảo, hội nghị thì sẽ chỉ có cán bộ biết mà người dân thì vẫn... không hiểu "vì sao phải số hóa truyền hình".