Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cán bộ, đảng viên đặt nhiều kỳ vọng vào các Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7

Trần Thảo - Linh Nguyễn-Hữu Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (12/5), Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng (Khóa XII) đã bế mạc sau 6 ngày làm việc.

Trong những ngày diễn ra hội nghị, nhiều đề án lớn đã được T.Ư thảo luận, gồm Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”; Đề án “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”. Tại phiên bế mạc, Ban Chấp hành T.Ư đã thống nhất thông qua 3 Nghị quyết quan trọng: Về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, về cải cách chính sách tiền lương; về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Đây là những vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân. Hầu hết các ý kiến nhiều kỳ vọng, sau những quyết sách đã được thông qua tại Hội nghị T.Ư 7, sẽ tạo cơ sở để đổi mới công tác cán bộ, khắc phục những bất cập trong chính sách tiền lương và mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội (BHXH).
Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến: Thời gian đóng BHXH 20 năm là phù hợp

Đề án cải cách chính sách BHXH được xây dựng và vừa thông qua tại Hội nghị T.Ư lần này hướng tới mục tiêu để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững… Tôi đánh giá cao Đề án được xây dựng công phu, bài bản, khoa học, có tính thực tiễn và khả thi cao.

Tôi rất ủng hộ việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác có nhu cầu và có khả năng. Vì mở rộng đối tượng tham gia BHXH cập nhật chủ trương theo phát biểu của Tổng Bí thư, hướng tới triển khai BHXH toàn dân, còn BHYT đã phổ biến 84% và đang hướng tới BHXH.

Một trong những nội dung quan trọng là các cơ quan xây dựng chính sách kiến nghị sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng hưu trí . Thực tế hiện nay, thời gian đóng BHXH có rất nhiều ý kiến: 10 năm, 15 năm, 20 năm và hiện tại đang hướng tới là 30 năm. Nhưng theo quan điểm của tôi, nên giữ ở mức cũ 20 năm là phù hợp với các đối tượng kể cả CBCCVC và NLĐ. Vì nếu tính một chu kỳ một cuộc đời công tác 20 năm là phù hợp.

Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm hướng tới nhiều mục tiêu như: Đối phó với già hóa dân số, biến đổi của thị trường lao động, đảm bảo cân đối quỹ BHXH… Tuy nhiên, theo tôi, tăng tuổi nghỉ hưu phải tùy thuộc vào nhóm công việc. Đối với CBCCVC hay NLĐ trực tiếp, theo tôi nên giữ tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Bởi vì, hiện nay, anh chị em lao dộng trực tiếp, nhất là những công việc nặng nhọc (than, khoáng sản…) thì khó có thể cống hiến thêm vì sức khỏe.


Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân: Sẽ từng bước đáp ứng được yêu cầu trả lương theo năng lực

Có thể nói so với những lần cải cách lần trước, Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động (NLĐ) trong DN được bàn tại Hội nghị T.Ư 7 lần này có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc, có thể coi là cuộc cách mạng trong cải cách tiền lương. Bởi, Đề án thể hiện tính sát thực cao, đưa ra những giải pháp giúp tăng năng suất lao động, phát huy nhiều tính sáng tạo của NLĐ, khắc phục được tính cào bằng, bình quân chủ nghĩa trong việc phân phối tiền lương, nâng cao chất lượng cuộc sống - đó chính là mục đích cuối cùng, nguyên tắc chung của việc cải cách chính sách tiền lương.

Nếu các nội dung của Đề án được thực hiện, tôi cho rằng sẽ cơ bản thỏa mãn được nguyện vọng, mong muốn của đông đảo cán bộ công chức Nhà nước cũng như NLĐ trong các DN hiện nay. Đặc biệt, sẽ từng bước đáp ứng được yêu cầu trả lương theo năng lực: Ai làm tốt được hưởng lương cao, ai làm không tốt thì được trả thấp. Trong đó, một cán bộ dù trẻ nhưng có trình độ cũng có thể được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, được hưởng lương cao mà không phải trải qua một quá trình phấn đấu rất dài. Đó chính là tác dụng kích thích, khuyến khích, thu hút người tài mà Đề án sẽ mang lại. 

Ông Đinh Văn Thức – Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 15- phường Sài Đồng, quận Long Biên: Chắc chắn đất nước sẽ có sự chuyển mình

Qua theo dõi các nội dung quan trọng được bản tại Hội nghị T.Ư 7, tôi rất mừng về những vấn đề được đưa ra, những giải pháp được nói là đột phá. Nếu các nội dung được Hội nghị T.Ư quyết được thực thi nghiêm túc, chắc chắn đất nước sẽ có sự chuyển mình.

Thứ nhất về công tác cán bộ, đây là điều hết sức quan trọng. Nếu Đảng làm tốt, sau này đất nước sẽ phát triển lên. Nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Đảng quyết được những vấn đề quan trọng này, trong thời gian tới, chắc chắn công tác cán bộ sẽ được cải tiến. Thứ hai, công tác cải cách tiền lương cũng là vấn đề hết sức quan trọng, nó ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động, phát triển của đất nước. Trong Hội nghị này, T.Ư bàn và quyết được vấn đề này sẽ động viên được đội ngũ cán bộ, phát huy được tiềm năng, cũng như sự sáng tạo của đội ngũ cán bộ trong công việc hàng ngày để đưa đất nước phát triển.

Còn về công tác BHXH. Đây cũng là vấn đề hết sức to lớn, cũng ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động chung của đất nước. Nếu như chúng ta làm thật chặt chẽ và có những sáng tạo trong thời gian tới, sẽ đảm bảo được đời sống cũng như an sinh xã hội của người dân. 

Ông Nguyễn Văn Chát - nguyên Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 12, phường Bồ Đề, quận Long Biên: Kỳ vọng sẽ thay đổi lớn về công tác cán bộ

Chúng tôi rất tin tưởng vào các nội dung vừa được Hội nghị T.Ư 7 thông qua. Qua theo dõi có thể thấy, Hội nghị lần này đưa ra những tiêu chuẩn rất cụ thể, rất rõ ràng, làm cho mỗi người cán bộ, mỗi công dân nhận thức rõ Nghị quyết này đúng đắn như thế nào. Từ đó, mỗi cán bộ, mỗi công dân phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Có như vậy, chúng ta mới thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng.

Tôi thấy, với Đề án công tác cán bộ, các nội dung được bàn đến rất đúng và trúng. Đặc biệt, với những người cán bộ, Nghị quyết T.Ư 7 khi được triển khai đến nơi, đến chốn hy vọng sẽ đi vào thực chất của cuộc sống và làm cho cuộc sống thay đổi. Đó là mong muốn của chúng tôi. Bởi như chúng ta thấy, từ trước tới nay, công tác cán bộ rất lỏng lẻo về các tiêu chuẩn nên có những trường hợp đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua và cần phải nghiêm túc thực hiện trong thời gian tới. Tôi tin tưởng rằng, Nghị quyết này sẽ thực hiện tốt. Chúng tôi có kỳ vọng sẽ thay đổi được một đội ngũ cán bộ mới, có những tư tưởng, đạo đức tốt, phẩm chất tốt, có năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Liên quan đến đề án cải cách tiền lương, tôi thấy đây là rất kỳ vọng của toàn bộ CBCCVC, LLVT và những người nghỉ hưu. Nếu như lương cơ sở đảm cho một người đủ sống thì đó là kỳ vọng chung của xã hội và cũng là mong muốn của toàn dân. Khi mức lương cơ sở đủ sống sẽ làm cho chênh lệch giữa giàu nghèo giảm đi. Nếu như kiên quyết thực hiện làm bằng được, cải cách thật tốt, cuộc sống của Nhân dân và toàn bộ CBCCVC sẽ được cải thiện rất lớn. Khi cuộc sống của Nhân dân được đảm bảo, xã hội sẽ đảm bảo, tiến tới phồn vinh.

Ông Nguyễn Minh Giao- Nguyên Bí thư Chi bộ 5, Đảng bộ phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy: Đúng như mong mỏi của người dân

Kết quả của Hội nghị T.Ư 7 đúng với mong muốn của người dân. Với Đề án công tác cán bộ, nếu thực hiện được đúng như Hội nghị T.Ư 7 đã thông qua sẽ giảm bớt được tham nhũng, cán bộ sẽ tốt lên, khắc phục được những hạn chế đúng như điều mong mỏi của người dân.

Về Đề án cải cách tiền lương, từ lâu, tất cả các CBCNV và người dân đều nghĩ một điều là người dân và cán bộ không sống được bằng lương. Nếu theo quyết sách của Hội nghị T.Ư 7, người dân và CBCNVC ai cũng mong muốn sống được bằng lương. Tuy nhiên, không biết tình hình tiềm lực kinh tế như thế nào, chúng tôi hy vọng vào T.Ư và rất tin tưởng vào T.Ư đã chuẩn bị các phương án.

Về BHXH, điều lo nhất của người dân là thỉnh thoảng lại nghe thấy vỡ quỹ này quỹ kia. Thế nhưng Nghị quyết T.Ư 7 vừa thông qua khiến những người cán bộ như tôi rất phấn khởi và yên tâm.

Đảng viên Dương Thị Quỳnh Huế (phường Cự Khối, quận Long Biên): Chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi đột phá

Hội nghị T.Ư 7 lần này đã bàn về rất nhiều vấn đề cấp thiết và quan trọng. Công tác cán bộ hay vấn đề sát sườn nhất đó là vấn đề tiền lương đều là những vấn đề chúng tôi quan tâm. Là một cán bộ trẻ, công chức trẻ, một người lao động trực tiếp, tôi kỳ vọng về thực thi các Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 7 trong công tác cán bộ, vấn đề tiền lương. Chắc chắn sẽ có nhiều đột phá, thay đổi mới so với trước đây.

Cũng là một người hưởng lương nhà nước, tôi nhận thức rằng, mình cần phải cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng về đạo đức, học tập theo phong cách của Bác để có phẩm chất của người cán bộ và có trình độ chuyên môn để giải quyết công việc, đảm bảo cho Nhân dân được kịp thời và đạt kết quả tốt.

 

Ông Nguyễn Hợp Thụ - Bí thư Chi bộ 1 - xã Liên Trung – huyện Đan Phượng – Hà Nội: Đề án cải cách tiền lương thực sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu NLĐ

Nội dung của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII lần này đề ra rất thiết thực, đáp ứng yêu cầu hiện nay của xã hội, đặc biệt là công tác cán bộ, quan tâm đến chế dộ tiền lương của người làm công và BHXH. Hiện nay, bà con, Nhân dân, CBCNV rất mong muốn giải quyết những vấn đề đó, đặc biệt là công tác cán bộ. Có làm tốt thì mới tạo được niềm tin, lấy lại được lòng tin của dân đối với Đảng.

Hội nghị Trung ương vừa qua, Đảng ta đã làm rất tốt. Tuy nhiên, Hội nghị Trung ương 7 lần này, xem xét, cân nhắc, bổ nhiệm, đề bạt, quản lý, sử dụng đối với đội ngũ cán bộ, nhất là chống những tiêu cực chạy chức, chạy quyền, cần phải kiên quyết, triệt để hơn nữa thì mới có thể chuyển biến tốt trong những năm sắp tới, nhất là người đứng đầu. Từ Tổng Bí thư đến cấp ủy cơ sở, Hội nghị Trung ương 7 đặt vấn đề rất thỏa đáng, rất đúng và trúng.

Để NQ đi vào cuộc sống, trước hết là vai trò lãnh đạo, trong đó, vị trí, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Tuy nhiên, cần phải có sự chuyển biến về mặt nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, phát huy được hết của cả hệ thống chính trị trong xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp thì mới có sự chuyển mình. Có như vậy, NQ của Đảng mới đi vào cuộc sống, có hiệu quả, hiệu lực.

Về vấn đề cải cách chính sách tiền lương với CBCCVC, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp được người dân rất quan tâm. Tuy nhiên, trước những khó khăn chung của đất nước và những bất cập khác nên hiện thu nhập từ lương chưa bảo đảm được cuộc sống của Nhân dân. Thang bảng lương thấp so với nhu cầu, công chức không sống bằng lương, ngay lương của đội ngũ cán bộ công chức, lao động hợp đồng cấp xã còn nhiều bất cập, lương 3 triệu -4 triệu đồng/tháng, không thể cứ sống mãi thế được. Thực tế cho thấy, nhiều công chức, viên chức có mức lương thấp phải tìm mọi cách để cải thiện cuộc sống nên sự tâm huyết với công việc là chưa cao. Do đó, Đề án cải cách tiền lương thực sự cần thiết góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân, đáp ứng yêu cầu cho NLĐ, kể cả lao động ngoài DN. Bây giờ các công ty, DN phát triển như vậy, nhưng việc phân bổ chế độ tiền lương của các khu vực 1,2,3,4, đã có sự phân bổ rồi, nhưng để tổ chức, triển khai, thực hiện được cũng là cả một quá trình. Điều đó cũng thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đến NLĐ nhưng cần có những bước chuyển kịp thời hơn nữa. Chứ hàng năm, chỉ tháng 7 có sự điều chỉnh, tăng một chút, cũng chưa đáp ứng được nguyện vọng của NLĐ.

Còn về BHXH, hiện nay, thực ra ở ngay địa phương tôi, có đến 85-86% người dân tham gia BHXH, so với trước đây, người dân tham gia BHXH. Việc triển khai thực hiện chính sách BHXH đã có nhiều thành công, đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội và những người tham gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Hiệu quả công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội diện bắt buộc hiện nay chưa cao do các đơn vị, doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng BHXH. Nên theo tôi, cần hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật các đơn vị, DN cố tình chây ỳ trong việc đóng BHXH. Tôi tin rằng, chính sách BHXH sẽ được cải cách theo hướng từng bước mở rộng vững chắc, linh hoạt, đa dạng và bền vững.

Đối với BHYT, là người lãnh đạo cơ sở, tôi thấy, bà con yên tâm phấn khởi tham gia bảo hiểm tự nguyện, so với năm trước, năm nay cao hơn, có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chính sách, chế độ đối với bảo hiểm còn nhiều bất cập. Nên Hội nghị Trung ương 7 đề cập đến vấn đề này rất đúng và trúng. Đặc biệt sắp tới, có liên quan đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, liên quan đến nhiều đối tượng được hưởng, cần phải có những xem xét thật thấu đáo thì mới đáp ứng được sự phát triển của xã hội. Trong đó, cần lưu ý, quan tâm, xem xét đến những ngành nghề độc hại.

 

Ông Nguyễn Đức Soát - Bí Thư Đảng ủy xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội: Niềm tin của Nhân dân với Đảng mãi tỏa sáng

“Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XII diễn ra trong những ngày qua đã làm rõ thực trạng cán bộ lãnh đạo quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ. Thậm chí, còn có những cán bộ thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với Nhân dân, vướng vào tham nhũng, tiêu cực, tạo ra lợi ích nhóm cố ý làm trái quy định, gây thất thoát vốn tài sản của Nhà nước làm ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân đã từng bước được đưa ra ánh sáng. Hội nghị T.Ư lần này diễn ra đúng vào thời điểm giữa nhiệm kỳ khóa XII, trong bối cảnh sau 2 năm rưỡi nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân thể hiện rõ sự quyết tâm trong việc xử lý dứt điểm vấn nạn tham nhũng đến tận gốc rễ. Nhờ đó, đất nước từng bước có nhiều chuyển biến tích cực và đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới, tốt đẹp hơn cho sự nghiệp đổi mới. Hội nghị T.Ư lần thứ 7 này là tiền đề, cơ sở để ban hành nghị quyết, lấy đây là kim chỉ nam cho mọi hành động, định hướng của toàn Đảng, toàn dân trong thời gian tiếp theo đã, đang từng bước củng cố được niềm tin tưởng của Nhân dân với Đảng mãi luôn tỏa sáng”.