Cán bộ “khinh nhờn luật” và góc nhìn đạo đức xã hội

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng, “chạy chức, chạy quyền” hay lạm dụng quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng…, đó là những cụm từ xuất hiện ngày càng nhiều thời gian qua, làm nhức nhối dư luận.

Hơn thế nữa, một vấn đề đáng báo động là những người phạm pháp lại chính là những người làm việc trong cơ quan nhà nước, rất hiểu luật, am tường pháp luật nhưng dường như đã “khinh nhờn luật”.
Thực trạng buồn
Thực tế cho thấy, chính ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức thi hành pháp luật còn thấp, vì thế tình trạng tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật xảy ra ngày càng phổ biến trong xã hội, thậm chí ngay trong đội ngũ cán bộ công chức có nhiệm vụ chính là thực thi pháp luật.
Từ những vụ nhỏ như hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, người dân, hoặc vi phạm nghiêm trọng về quy tắc ứng xử, đến những trường hợp rất phản cảm và gây bức xúc trong dư luận như các thành viên đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng nhận hối lộ trong quá trình thực thi công vụ thanh tra.
Rồi các quan chức cấp tỉnh, cấp sở, ngành vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật, thậm chí vướng vòng lao lý vì lạm quyền, lộng quyền trong các quyết định liên quan đến tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hay đưa những người thân quen, cánh hẩu vào những vị trí không xứng đáng, hình thành lên “lợi ích nhóm”.
 Ảnh minh họa.

Gần đây nhất, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã quyết định khởi tố bị can đối với Đô đốc Nguyễn Văn Hiến - cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là việc mở rộng điều tra vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út trọc), Bùi Văn Nga và đồng phạm về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" và tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", liên quan đến chuyển nhượng nhiều lô đất quốc phòng thời ông Nguyễn Văn Hiến giữ chức vụ Tư lệnh Quân chủng Hải quân (giai đoạn 2004 - 2015)…
Những vi phạm của ông đã được Ủy ban Kiểm tra T.Ư chỉ rõ khi thực hiện không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý, sử dụng các khu đất quốc phòng…
Trước đó, hàng loạt cựu bộ trưởng, quan chức cấp cao cũng bị bắt, bị khởi tố vì nhiều tội danh khác nhau. Trong 8 tháng đầu năm, đã 7.923 đảng viên vi phạm bị kỷ luật; trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái; tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đó chính là những “con số biết nói” cho thực trạng buồn khi cán bộ “bỏ quên pháp luật”.
Như nhiều ý kiến đã phân tích, dù nhiều sai phạm được chỉ ra khác nhau nhưng tựu chung cũng chỉ xoay quanh việc những cán bộ, đảng viên nói trên đã bị “lóa mắt” bởi đồng tiền, từ đó sa sút về tư tưởng chính trị, đạo đức và tha hóa về lối sống, dẫn đến vi phạm pháp luật dù hiểu luật.
Nhiều người, trong đó có những cán bộ lãnh đạo đứng đầu các địa phương ngay từ khi mới được cất nhắc đã nói không đi đôi với làm, thích phô trương, thành tích, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc... Chính bởi việc “khinh nhờn pháp luật” khiến những vị cán bộ này chỉ lợi dụng vị trí công tác để vun vén, tư lợi cá nhân hoặc “bảo kê”, “chống lưng” cho các nhóm lợi ích, “sân sau”.
Trước hết, để xảy ra những vi phạm đáng tiếc như ở các tập thể, cá nhân đã bị kỷ luật cho thấy một thực trạng đang tồn tại lỗ hổng trong công tác kiểm soát quyền lực, buông lỏng trong việc kiểm tra, giám sát, giáo dục cán bộ. Nhưng thực tế nhiều vụ việc “khinh nhờn luật” đã phải gióng lên tiếng chuông cảnh báo. Như đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng Ban Dân nguyện) khi nhắc đến vụ vi phạm của cán bộ đã cho rằng, bên ngoài đó là sự vi phạm pháp luật, nhưng bên trong chính là sự vi phạm đạo đức.
“Tôi không dám võ đoán nhưng tin rằng các tướng tá, cán bộ bị xử lý thời gian qua chắc đều có bản kiểm điểm rất sáng. Có lẽ còn rất nhiều cán bộ xấu đang lẩn khuất tạo ra quốc nạn tham nhũng làm mất lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước” - ông Lưu Bình Nhưỡng lưu ý.
Và cho rằng, đây chính là “căn bệnh ung thư, di căn về nhân cách, dứt khoát phải loại bỏ ra khỏi xã hội nhưng không thể loại bỏ bằng các biện pháp thông thường mà phải quyết liệt”, “phải cương quyết cắt bỏ mọi hạch căn đó ra khỏi cơ thể của Đảng, Nhà nước”.
Xuất phát từ sự tha hóa về nhân cách
Vì sao cán bộ “coi thường” hoặc “nhờn luật”, trả lời câu hỏi ngoài việc tuân thủ pháp luật chưa nghiêm, nhìn từ góc độ quản lý còn bởi những khe hở cho sự “nhờn luật” tung hoành vẫn còn và đương nhiên có “kẽ hở” thì xuất hiện kẻ trục lợi. Khi có đặc quyền, đặc lợi thì ắt hẳn sẽ có những cán bộ bị mê hoặc, dẫn đến suy thoái, hư hỏng.
Nhưng như nhiều ý kiến đã chỉ rõ, điều quan trọng là việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật xuất phát từ sự tha hóa về nhân cách, xuống cấp về đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức. Tại các kỳ họp Quốc hội vừa qua, một số đại biểu đã thẳng thắn nêu lên tình trạng hiện nay có những công ty, DN thuê hẳn đội ngũ chuyên gia hiểu biết về pháp luật để tìm các kẽ hở trong những văn bản luật nhằm lợi dụng. Đây rõ ràng là biểu hiện cố tình lợi dụng sự sơ hở của luật pháp để trục lợi.
Điển hình nhất thời gian qua chính là việc nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu đã bị kỷ luật, bị cách các chức vụ, bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì “dính líu” sai phạm nghiêm trọng về quản lý đất đai, gây thất thoát tài sản nhà nước, thậm chí tạo ra những “cánh hẩu” trong lĩnh vực đất đai để cùng cộng sinh thâu tóm bất động sản bằng nhiều thủ đoạn.
Họ đã lợi dụng những kẽ hở của Luật Đất đai để cho thuê, chuyển nhượng diễn ra dưới nhiều hình thức, như nhận tiền hối lộ để cho thuê, chuyển nhượng đất với giá thấp; cho thuê, chuyển nhượng với giá cao nhưng thể hiện trong hợp đồng là giá thấp... Rồi tình trạng phạt cho tồn tại chính là kẽ hở của “xin - cho”, là cái cớ để tiêu cực, tham nhũng tiếp tục phình ra nhiều hơn…
Như PGS.TS Bùi Thị An (nguyên đại biểu Quốc hội) đã đề cập đến một thực trạng nữa đó chính là tham nhũng chính sách. Bởi vì qua một số vụ án tham nhũng cho thấy, các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của luật để thực hiện các hành vi tham nhũng. Như trong làm luật, vì lợi ích nhóm mà các đối tượng cố tình tìm cách liên kết, móc ngoặc với những cán bộ có chức, có quyền thoái hóa biến chất để đưa ý đồ có lợi cho họ vào luật.
Họ lobby, họ mời “đi khảo sát” trong và ngoài nước rồi quà cáp, phong bì... mà nếu cán bộ làm luật không bản lĩnh thì sẽ dễ đi chệch hướng. Việc lobby chính sách khó đong đếm vô cùng, không thể bằng 1 tỷ đồng, 2 tỷ đồng, nghìn tỷ đồng mà có khi thành nhiều nghìn tỷ đồng và quan trọng là làm cho dân mất lòng tin vào sự điều hành của chính quyền. Nguy hiểm hơn, khi tham nhũng đã đi vào chính sách thì sẽ có tính chất định hướng và có tác động lâu dài, đó cũng là vấn đề cần lưu ý.
Để ngăn chặn hiệu quả hành vi lợi dụng sơ hở của luật pháp để trục lợi thì việc đầu tiên các cơ quan chức năng phải không ngừng rà soát hệ thống pháp luật, kịp thời điều chỉnh những bất hợp lý trong từng văn bản quy phạm pháp luật, bịt ngay các kẽ hở từ gốc.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, cả đương chức, nghỉ hưu. Nhưng một vấn đề quan trọng hơn được nhiều ý kiến nhắc đến chính là giáo dục, nâng cao nhận thức và tính tự giác cho cán bộ, đảng viên, công chức trong chấp hành pháp luật, đồng thời đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu; giám sát của người dân đối với cán bộ, đảng viên, công chức để phát hiện nhanh, phát hiện sớm các hành vi lợi dụng kẽ hở của pháp luật hòng trục lợi, để không ai có thể né luật, lách luật, làm méo mó vì mục đích riêng.
Đặc biệt, với những hình thức kỷ luật nghiêm minh đang được thực thi thời gian qua, việc xử lý được làm cương quyết và mạnh mẽ, thực sự đã tạo nên một “bài học cảnh tỉnh” cho tính gương mẫu và trung thực và tự tu dưỡng bản thân của cán bộ. Qua đó, cũng có tác dụng răn đe khiến những ai đang có ý định tham nhũng, vi phạm hoặc có biểu hiện “tha hóa”, coi thường pháp luật, phải chùn bước.
Bởi đã có dấu hiệu vi phạm kỷ luật, tham nhũng, lộng quyền, lạm quyền nghĩa là có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì từ lãnh đạo cho đến người dân bình thường đều phải bình đẳng với nhau và phải xử lý theo pháp luật, không loại trừ ai. Hay nói cách khác, “khinh nhờn pháp luật” phải được loại bỏ ra khỏi tư duy, nếp nghĩ và thực thi trong đời sống xã hội.

"Tôi không dám võ đoán nhưng tin rằng các tướng tá, cán bộ bị xử lý thời gian qua chắc đều có bản kiểm điểm rất sáng. Có lẽ còn rất nhiều cán bộ xấu đang lẩn khuất tạo ra quốc nạn tham nhũng làm mất lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước. " - Ông Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội


Ý thức tu dưỡng mới là yếu tố quan trọng

"Việc cán bộ, công chức vi phạm pháp luật có nhiều nguyên nhân, trước hết là ý thức tu dưỡng, kỷ cương kỷ luật của từng cán bộ, công chức chưa cao. Hơn nữa, việc tổ chức thực thi pháp luật và việc làm gương của người đứng đầu cũng chưa tốt; việc theo dõi đánh giá chưa được làm thường xuyên. Đồng thời, bản thân hệ thống pháp luật của chúng ta cũng còn nhiều lỗ hổng, khiến bị lợi dụng.

Tuy nhiên, theo tôi, pháp luật là một lý do nhưng không phải là lý do chính, cái chính vẫn là ý thức tu dưỡng của từng cán bộ công chức, tinh thần phục vụ Nhân dân. Nếu đã có trách nhiệm với Nhân dân, dù pháp luật có sơ hở vẫn hoàn toàn lấp đi chỗ trống ấy.

Còn ngược lại, nếu đã vô trách nhiệm, vô cảm, đã không có ý thức, pháp luật dù chặt chẽ đến đâu, họ vẫn tìm cách “lách”. Do đó, việc nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ, tăng cường theo dõi giám sát của người đứng đầu và người đứng đầu thực sự làm gương rất quan trọng. Đi kèm với đó, chính là hoàn thiện hệ thống pháp luật, các quy chế, quy định…" - Ông Ngọ Duy Hiểu - 

Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam


Bỏ quên vai trò “công bộc”

'Trong bản Di chúc lịch sử ra đời cách đây 50 năm, Bác Hồ viết: "Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư; phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân”.

Tuy nhiên nhiều cán bộ ngày nay chỉ biết lãnh đạo mà quên mất trách nhiệm "người đầy tớ trung thành của Nhân dân". Dẫn đến hiện tượng vi phạm pháp luật, chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy luân chuyển…, đó là biểu hiện tha hóa, suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Nhiều người được giao quyền lại tự tung tự tại, dẫn đến những sự việc đau lòng, đáng tiếc, kể cả với lực lượng thực thi pháp luật là quân đội và công an như vừa qua. Điều này một mặt nghiêm khắc trách những cán bộ lãnh đạo vi phạm, mặt khác những người đứng đầu, cấp quản lý cũng phải tự soi mình, xem xét trách nhiệm khi để xảy ra những vụ việc sai phạm của cấp dưới trong đơn vị do mình quản lý để giáo dục cán bộ." - Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam