Cán bộ thi hành án chiếm đoạt 10 kg ma túy: Phạm tội bởi lòng tham

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đầu xuân Canh Dần, chúng tôi gặp Vũ Quốc Việt, nguyên cán bộ cơ quan Thi hành án tỉnh Lai Châu tại Trại tạm giam - Công an tỉnh này. Việt là thủ phạm chiếm đoạt hơn 10kg ma túy mà cơ quan Thi hành án chuẩn bị đem đi tiêu hủy.

KTĐT - Đầu xuân Canh Dần, chúng tôi gặp Vũ Quốc Việt, nguyên cán bộ cơ quan Thi hành án tỉnh Lai Châu  tại Trại tạm giam - Công an tỉnh này. Việt là thủ phạm chiếm đoạt hơn 10kg ma túy mà cơ quan Thi hành án chuẩn bị đem đi tiêu hủy. Giúp sức cho Việt là em họ của hắn - Nguyễn Hồng Quân, 29 tuổi. Hai án tử hình là kết cục quá đau xót cho những kẻ liều lĩnh, tham lam.

3 năm ăn Tết trong trại giam, Vũ Quốc Việt có quá đủ thời gian suy nghĩ về hành vi phạm tội của mình. Hối hận, tiếc nuối về phút nông nổi tội lỗi, Việt chỉ mong rằng, không còn ai vì tham lam mà đánh mất tự do của chính bản thân mình như anh ta nữa.

Ngày 12/10/2007, Công an tỉnh Lai Châu nhận được tin báo, cơ quan Thi hành án tỉnh Lai Châu bị kẻ gian đột nhập, lấy đi 10kg ma tuý là vật chứng của hàng chục vụ án đã có hiệu lực pháp luật chờ tiêu huỷ. Ngay sau đó, một tổ công tác đặc biệt của Công an tỉnh Lai Châu đã có mặt tại hiện trường để khám nghiệm, thu thập dấu vết.

Qua khám nghiệm hiện trường được biết, kẻ gian đã lấy khóa cửa kho, đột nhập lấy trộm 1 hòm tôn bên trong đựng 2,686kg heroin và 7,816kg thuốc phiện, là vật chứng của 29 vụ án. Quá trình điều tra, Công an tỉnh Lai Châu đã làm rõ đối tượng chiếm đoạt là Vũ Quốc Việt - chuyên viên của cơ quan Thi hành án và em con cô ruột của Việt tên là Nguyễn Hồng Quân, 29 tuổi, làm ở Công ty Máy tính Vạn Niên.

Theo lời khai của Việt thì anh ta được làm Thư ký Hội đồng tiêu hủy vật chứng nên biết rõ nơi để tang vật và nảy sinh ý định chiếm đoạt. Cuối năm 2007, TAND tỉnh Lai Châu đã mở phiên xét xử tuyên án Vũ Quốc Việt và Nguyễn Hồng Quân đều ở mức án tử hình. Không chấp nhận cái chết, Việt và Quân đồng loạt kháng án, nhưng Tòa phúc thẩm TAND tối cao cũng không thể nhẹ tay hơn, bởi quy định pháp luật đã rõ ràng. Và kết cục buồn dành cho hai kẻ có học, con nhà gia giáo này là điều không ai muốn xảy ra.

Tại Trại tạm giam - Công an tỉnh Lai Châu một ngày đầu xuân Canh Dần, ngoài phòng đợi, chúng tôi gặp một phụ nữ ngoài 50 tuổi, mặc áo đen, mái tóc pha sương. Một cán bộ quản giáo giới thiệu, đó là mẹ của phạm nhân Vũ Quốc Việt. Nói trong nước mắt, người đàn bà này cho biết, vợ chồng chị đều là những công chức. Chồng chị từng làm Giám đốc một Sở ở Yên Bái, bản thân chị cũng là cán bộ Tòa án, kinh tế khá giả, các con được ăn học tử tế. Họ có 4 người con, 3 trai, 1 gái, Việt là con thứ hai. Anh trai của Việt đã chết vì nghiện ma tuý, mọi hy vọng của gia đình đều dành cho Việt khi anh ta tu chí, tốt nghiệp trường Luật, ra trường làm ở TAND huyện Yên Bình (Yên Bái).

Năm 2007, Việt chuyển về làm ở cơ quan Thi hành án Lai Châu. Lúc đó, đứa em con cô ruột là Nguyễn Hồng Quân cũng đã tốt nghiệp cao đẳng tin học, chưa có việc làm ổn định nên Việt đã đưa em sang Lai Châu xin việc cho. Nhận công tác tại cơ quan Thi hành án tỉnh Lai Châu mới được hơn 2 tháng thì Việt phát hiện cơ quan kiểm kê ma túy là tang vật của các vụ án đã có hiệu lực thi hành để hôm sau tiêu hủy. Biết số lượng ma túy sẽ là rất lớn, có giá trị cao, có thể mua được chiếc ôtô mà mình hằng mong ước nên Việt đã nảy sinh ý định chiếm đoạt. Lợi dụng sơ hở trong việc quản lý vật chứng, anh ta đã thực hiện hành vi.

Lúc đầu, Việt không nghĩ đến hậu quả nhưng khi bị cơ quan Công an hỏi đến, Việt lo lắng đến tột độ. Dù vậy, anh ta vẫn ngoan cố, bí mật mua sim điện thoại khác gọi điện cho Quân để bày mưu tính kế giấu tang vật. Có lẽ, Việt nghĩ rằng, với trình độ hiểu biết pháp luật của mình, anh ta sẽ che giấu được tội lỗi của mình. Giá như lúc đó, sau giây phút nông nổi ban đầu, Việt biết hối hận và tự thú với cơ quan Công an thì chắc chắn anh ta đã được khoan hồng…

Việt kể rằng, sau khi anh ta bị tuyên án, bố mẹ anh ta rất suy sụp, họ đã phải bán nhà ở TP Yên Bái để lên tận Mù Căng Chải sống với người con trai út. Hằng ngày, mẹ Việt phải bán rau ở chợ vừa để khuây khỏa nỗi buồn vừa có tiền để thăm nuôi con trai.

Việt kể, thực sự ai cũng muốn mình được sống, nhất là những người đang đối diện cái chết như anh ta. Nhưng, bản thân từng tốt nghiệp Đại học Luật, từng công tác ở Tòa án, cơ quan thi hành án nên anh ta cũng hiểu cái giá phải trả của mình nên khi biết bố mẹ không "chạy" để mình thoát tội chết, Việt cũng không hề giận dỗi hay oán trách những người sinh thành. Điều mà Việt tiếc và ân hận nhất không chỉ là tự đánh mất cuộc sống của mình mà còn lôi kéo đứa em họ vào con đường chết. Việt bảo, giá như tôi không mờ mắt vì lòng tham thì đâu đến nỗi bản thân và Quân phải vào tội chết.

Thế mới biết, không chỉ những kẻ thiếu hiểu biết pháp luật mới ham làm giàu bất chính mà kể cả những người từng cầm cân nảy mực, từng bảo vệ pháp luật thì việc phải chiến thắng chính mình cũng thật khó. Mong rằng, đây cũng là bài học đắt giá cho tất cả mọi người, nhất là những người có điều kiện tiếp xúc với kinh tế. Đừng vì tham lam mà phải trả giá đắt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần