Đại biểu tham dự, về phía T.Ư có Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ. Đại biểu TP Hà Nội có Phó Bí thư Thành uỷ, Trưởng BCĐ chương trình 06 của Thành uỷ Nguyễn Văn Phong; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đinh Thị Lan Duyên; lãnh đạo các Sở VH&TT Hà Nội và đại diện các huyện tham gia Hội thi.
Tranh tài sôi nổi, hấp dẫn
Hội thi “Trưởng thôn thân thiện” TP Hà Nội lần thứ III - năm 2022 được phát động từ tháng 8/2022, với sự tham gia, hưởng ứng của 18 huyện, thị xã trên địa bàn TP. Với mục tiêu lan tỏa rộng khắp, hội thi được tổ chức từ cấp cơ sở, theo 3 cụm khu vực, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi. Từ đây, ban tổ chức chọn ra 5 thí sinh xuất sắc nhất để tham gia vòng chung khảo, đến từ các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Quốc Oai, Thường Tín và thị xã Sơn Tây.
Tham gia Hội thi, các thí sinh - trưởng thôn tham gia 3 phần thi gồm: Chào hỏi, kiến thức và thuyết trình. Trong đó, ở phần thi chào hỏi, các thí sinh đã tạo ra bầu không khí sôi động, hào hứng với sự cổ vũ, động viên của 800 khán giả.
Mở đầu phần thi chào hỏi, ông Nguyễn Văn Thi - Trưởng thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín đem đến cho khán giả những tiết mục văn nghệ đặc sắc, tiết tấu sôi động nhờ kết hợp của dân gian, đọc thơ và đọc rap. Cùng với đó, Trưởng thôn Nguyễn Văn Thi đã lồng ghép, tuyên truyền về các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của địa phương, với thông điệp: “Đoàn kết, kỉ cương, sáng tạo, hiệu quả”.
Với thế mạnh về phong trào rèn luyện thể dục, thể thao, ông Nguyễn Văn Dũng – Trưởng thôn Sài Khê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai tham gia phần thi chào hỏi với tiết mục văn nghệ khéo léo giới thiệu về công tác triển khai xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Theo Trưởng thôn Nguyễn Văn Dũng: “Năm 2021, tại Quốc Oai 96% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá, 98% tổ dân phố văn hoá; trong SEA Games 31 các VĐV ở Quốc Oai đóng góp 7 huy chương; 1 em đạt thủ khoa kỳ thi THPT quốc gia. Từ những thành tích đã đạt được, niềm tin của người dân với chính quyền ngày càng được củng cố”.
Đóng góp một phần vào kết quả kể trên, Trưởng thôn Nguyễn Văn Dũng cho hay: “Trong quá trình công tác, tôi luôn chú trọng thực hiện nếp sống văn minh và quy tắc ứng xử để nét đẹp văn mình của người Hà Nội được lưu truyền cho các thế hệ mai sau”.
Bên cạnh những công việc kể trên, thời gian qua, các trưởng thôn trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều đóng góp trong việc xây dựng đời sống văn hóa. Trong phần thi của mình, ông Nguyễn Văn Công - Trưởng thôn Thủ Chung, xã Thanh Mỹ, Sơn Tây chia sẻ: Trong những năm qua thị xã Sơn Tây luôn quan tâm và thực hiện tốt phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Đến nay tỷ lệ thôn, phố văn hoá luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Với hơn 14 năm gắn bó với Nhân dân, trên cương vị là trưởng thôn, tôi đã cùng cấp uỷ, Chi bộ, Ban lãnh đạo thôn tuyên truyền và vận động Nhân dân tiếp tục chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đưa những cây giống mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Đến nay, Nhân dân không còn bỏ ruộng hoang, phát huy hết giá trị tiềm năng của đất. Từ đó, đời sống tinh thần vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 61,2 triệu đồng/năm. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chí trị, trong những năm qua, tôi đã cùng các tổ chức giúp đỡ cho 12 hộ nghèo thoát nghèo, giúp cho các hộ có thu nhập ổn định từ việc vay vốn đầu tư chăn nuôi. Đến nay, thôn không có hộ nghèo”.
Góp phần xây dựng đời sống văn hóa nơi cơ sở
Sau phần thi chào hỏi, các thí sinh tham gia phần thi Kiến thức. Trong phần này, các thí sinh sẽ trả lời 5 câu hỏi bằng hình thức chọn đáp án đúng A-B-C. Thuyết trình là phần thi có nội dung chuyên sâu, thể hiện kiến thức, kỹ năng của mỗi thí sinh. Ở phần thi này, mỗi trưởng thôn đưa ra những kiến thức, kinh nghiệm, sáng kiến cá thân trong việc nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, xây dựng hương ước, quy ước, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, vận động toàn dân tham gia rèn luyện sức khỏe, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Theo Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh: Hội thi là cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai các nội dung xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nói chung, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói riêng. Đây cũng là dịp động viên đội ngũ làm công tác phong trào ở cơ sở, khích lệ các cán bộ cơ sở, mà cụ thể là vị trí trưởng thôn, thêm gắn bó mật thiết với phong trào, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở địa phương”.
Thời gian tới, Hội thi sẽ tiếp tục lan tỏa hiệu quả sâu rộng, những thí sinh bước ra từ hội thi, cùng với các nhiệm vụ đang đảm đương ở cơ sở, sẽ trở thành những báo cáo viên, trực tiếp trao đổi kinh nghiệm, thuật lại những câu chuyện triển khai thực hiện đời sống văn hóa nơi cơ sở một cách sinh động, thiết thực nhất.
Kết quả chung cuộc, giải Nhất Hội thi “Trưởng thôn thân thiện” TP Hà Nội lần thứ III – năm 2022 đã thuộc về Trưởng thôn Nguyễn Thu Hà (thôn Mít, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh); 2 giải Nhì thuộc về bà Đỗ Thị Chanh - Trưởng thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm và ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng thôn Sài Khê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai; 2 giải Ba thuộc về ông Nguyễn Văn Công - Trưởng thôn Thủ Trung, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây và ông Nguyễn Văn Thi - Trưởng thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng đã trao 13 giải Khuyến khích cho các huyện tham gia Hội thi, cùng các phần quà có ý nghĩa cho 6 đơn vị lọt vào vòng chung khảo. Giải Nhất tập thể tổ chức tốt Hội thi cấp cơ sở đã được trao cho huyện Đông Anh.