Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh như trên tại Chương trình dấu ấn Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia và Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (Techfest – Whise 2023), chiều 25/11.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có nhiều cải thiện
Theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO vừa mới công bố vào tháng 10 năm 2023, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, chỉ sau Ấn Độ. Chỉ số xếp hạng của bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu StartupBlink năm 2023 cũng cho thấy hệ sinh thái của các thành phố ở Việt Nam như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có những bước cải thiện, tiếp tục tăng trưởng, đưa Việt Nam xếp hạng thứ 58 trên thế giới về chỉ số này. Sau thời kỳ dịch Covid-19, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã tăng trưởng trở lại với 634 triệu USD năm 2022 và đạt gần 500 triệu USD trong nửa đầu năm 2023.
Techfest – Whise 2023 là chuỗi sự kiện lớn nhất trong năm về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp do UBND TP Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ đồng chủ trì. Với “Phát huy tài nguyên đất nước - Nâng tầm Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hội nhập quốc tế”, sự kiện đã mang đến cơ hội kết nối nguồn lực tài chính, đối tác, phát triển thị trường trong nước và quốc tế, chia sẻ kiến thức cho các sáng lập viên giúp cho các doanh nghiệp phát huy hiệu quả nguồn lực và thúc đẩy kinh tế. Techfest – Whise 2023 hướng tới thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở với sự tham gia của mạng lưới doanh nghiệp lớn; cộng đồng chuyên gia, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển sản phẩm từ khai thác tài nguyên bản địa. Các giải pháp về an ninh lương thực toàn cầu, nền tảng logistic phục vụ, đảm bảo chuỗi cung ứng trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh và các công nghệ về năng lượng mới đảm bảo phát triển bền vững.
Để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST), Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy KNĐMST. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ (KHCN), ĐMST và chuyển đổi số và tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”, “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào KHCN, ĐMST và chuyển đổi số”.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, việc phát triển hệ sinh thái KNĐSMT với mục tiêu cuối cùng là tạo ra môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các doanh nghiệp KNĐMST, tạo ra giá trị vượt trội. Hiện nay, trên cả nước đã có gần 200 khu làm việc chung, khoảng 70 vườn ươm doanh nghiệp, 30 tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 108 quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng, nguồn lực quan trọng nhất hỗ trợ cho doanh nghiệp KNĐMST chính là hành lang pháp lý thuận lợi, cơ chế, chính sách ưu đãi; nguồn lực tài chính phù hợp và sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu. Đây chính là “Hệ thống ĐMST quốc gia – NIS” đã được hình thành và phát triển trong những năm qua ở nước ta.
Từ thực tiễn cho thấy, các trung tâm này cần phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh nội sinh và ngoại lực để liên kết, thu hút, khai thác hiệu quả các nguồn lực nói trên, đặc biệt là nguồn lực tài chính, nguồn lực đầu tư và lực lượng chuyên gia trong và ngoài nước.
Tạo mọi điều kiện cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng do xuất phát điểm chậm hơn nên hệ sinh thái KNĐMST của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới và chưa tương xứng với tiềm năng, trí tuệ, năng lực của con người Việt Nam. KNĐMST của Việt Nam chưa thể so sánh với Israel – Quốc gia hàng đầu về KNĐMST hay Singapore – quốc gia hàng đầu về năng lực cạnh tranh. Mặt khác, hiện nay cũng như tình trạng chung của khu vực và thế giới, chúng ta vẫn đang trong giai đoạn “mùa đông gọi vốn”, các nhà đầu tư quốc tế ngày càng thận trọng hơn, đa dạng hóa danh mục đầu tư, quản lý rủi ro chặt chẽ hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chính sách thúc đẩy thị trường vốn, nhân lực, khoa học, công nghệ liên quan đến KNĐMST cần được tập trung xây dựng, hoàn thiện theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, cần có cơ chế thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho KNĐMST.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần phát triển đồng bộ hệ thống ĐMST Quốc gia, ngành, vùng, các khu công nghệ cao, vườn ươm sáng tạo, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm và các viện, trường là chủ thể nghiên cứu và ĐMST.
Mạng lưới KNĐMST cần được thúc đẩy và phát triển các tổ chức trung gian, môi giới, sàn giao dịch vốn, các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ về pháp lý, quản lý… để hình thành hệ sinh thái làm "bệ đỡ" cho ĐMST.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra nhiệm vụ phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực cho KNĐMST, trang bị kiến thức, kỹ năng và khuyến khích tinh thần KNĐMST tạo từ các bậc học phổ thông và ngay từ những ngày đầu khi thanh niên có ý tưởng lập nghiệp.
"Có chiến lược, kế hoạch cụ thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực KHCN gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu vai trò của việc tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính hỗ trợ KNĐMST từ nhiều nguồn khác nhau. Các nguồn tài chính có thể từ Nhà nước, các nhà đầu tư tư nhân, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, các tập đoàn, tổ chức quốc tế, các cá nhân và cộng đồng.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý có thể đẩy mạnh các phương thức hợp tác đầu tư phù hợp, hiệu quả trong hoạt động KNĐMST.