Cần cái bắt tay giữa hàng không-du lịch để khai thác thị trường nội địa

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc giá vé máy bay tăng cao đã khiến một lượng lớn người Việt Nam đã chuyển sang đi tour nước ngoài. Như vậy để khai thác thị trường nội địa lâu dài bền vững đòi hỏi ngành hàng không và du lịch cần bắt tay chặt chẽ.

Nhiều khách nội địa chọn tour ngoại vì giá rẻ

Số liệu của Tổng Cục thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm 2024, ngành hàng không đã phục vụ 38,1 triệu khách, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 21 triệu khách, tăng hơn 44% so với cùng kỳ 2023, tuy nhiên lượng khách nội địa chỉ đạt 17 triệu lượt, giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.

Theo công ty du lịch, một trong những nguyên nhân khiến lượng khách du lịch ngại mua tour nội địa di chuyển bằng máy bay là bởi chi phí chiếm 40-50% giá chương trình. Việc hàng không tăng giá vé  khiến giá tour tăng cao hơn, điều này đã khiến người Việt đổ xô du lịch nước ngoài, thị trường nội địa mất khách.

Doanh nghiệp du lịch đón đoàn tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp du lịch đón đoàn tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Hoài Nam

Thông tin về lượng du khách Việt Nam chọn Hàn Quốc làm điểm đến, Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam Lee Jae Hoon cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc đã đón hơn 167.000 lượt khách Việt Nam, tăng 32.6% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam vẫn giữ vững thành tích là quốc gia Đông Nam Á có lượng khách đến Hàn Quốc đông nhất trong năm 2024.

Thực tế cho thấy không chỉ Hàn Quốc mới thu hút du khách Việt Nam mà các thị trường khác như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan… cũng ghi nhận sự tăng trưởng của dòng khách Việt. Trong đó, Trung Quốc là thị trường được khách Việt yêu thích nhất trong năm 2024. Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Hanotour Hồ Xuân Phúc thông tin, hiện lượng du khách đặt chỗ một số tour, tuyến đi Trung Quốc như Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn, Bắc Kinh - Thượng Hải - Hàng Châu… đã kín lịch đến hết tháng 7.

Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vietluxtour Nguyễn Ngọc An phân tích, giá vé máy bay các chặng nội địa tăng cao nhất là trong mùa cao điểm du lịch hè, khiến giá tour trọn gói tăng theo, khiến sản phẩm du lịch nội địa kém hấp dẫn.

Du khách làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Hoài Nam
Du khách làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Hoài Nam

“Đơn cử có thể kể đến giá tour trọn gói đi Phú Quốc và Thái Lan chênh lệch không nhiều, thậm chí một số tour đi Thái Lan chỉ bằng chi phí vé máy bay khứ hồi một số chặng nội địa như Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, Hà Nội - Nha Trang… Điều này làm cho du lịch nội địa không phát triển”-ông An nêu rõ.

Lý giải nguyên nhân khiến hàng không tăng giá, Tổng Giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam thừa nhận, nguyên nhân khiến giá vé máy bay năm 2024 tăng so với giai đoạn 2021 - 2022, là bởi số lượng máy bay của các hãng đã giảm từ 240 chiếc xuống còn 160 chiếc.

“Mặc du ngành hàng không có thể thuê máy bay để bù đắp số lượng thiếu hụt, nhưng do các hãng bay không có động lực kinh doanh, bởi bay càng nhiều thì lỗ càng nhiều, trong đó rào cản lớn nhất chính là quy định trần giá vé máy bay nội địa”-ông Nam phân tích. 

Cần cái bắt tay bền chặt  

Theo các chuyên gia du lịch, để thu hút du khách tham gia tour nội địa, đòi sự bắt tay giữa hàng không và du lịch và điểm đến là rất cần thiết từ đó xây dựng kế hoạch phát triển bền vững.

Dưới góc độ doanh nghiệp kinh doanh du lịch và hàng không, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Du lịch - Hàng không Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, ngành du lịch và hàng không cần phối hợp khai thác các chuyến bay thuê bao nguyên chuyến, có chính sách giá ưu đãi, khởi hành định kỳ và đảm bảo hiệu quả khai thác khách 2 chiều. Thời gian triển khai từ 6 tháng đến 1 năm để các công ty du lịch quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Khách du lịch Việt Nam tại sân bay Liên Khương (Lâm Đồng). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch Việt Nam tại sân bay Liên Khương (Lâm Đồng). Ảnh: Hoài Nam

“Việc liên kết chặt chẽ giữa du lịch với hàng không và điểm đến không chỉ giúp tăng cường khả năng tiếp cận của du khách đến các điểm đến, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một hệ sinh thái du lịch bền vững”-ông Kỳ nhấn mạnh.

Để du lịch và hàng không cùng phát triển,  Giám đốc kinh doanh khối du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn Sun Group Lương Thị Hoàng Lan cho rằng, bên cạnh việc hàng không và du lịch đưa ra chính sách giá tốt, còn đòi hỏi các điểm đến cũng cần đưa ra những chính sách ưu đãi tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng những chương trình tour chất lượng có mức giá tốt. Phương án này giúp cả địa phương, hàng không và du lịch cùng có lợi, ổn định về lượng khách lâu bền.

Chủ tịch HĐTV Công ty Lữ hành Saigontourist Nguyễn Hữu Y Yên cho rằng du lịch và hàng không cần phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng đường bay mới trên cơ sở có phân tích kỹ nhu cầu của thị trường.

Du khách làm thủ tục nhận vé tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Hoài Nam
Du khách làm thủ tục nhận vé tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Hoài Nam

“Nhằm kích cầu du lịch trong nước, Saigontourist đang phối hợp cùng Vietnam Airlines xây dựng sản phẩm ưu đãi với chuyến bay khởi hành sau 21 giờ hàng ngày đến các điểm du lịch trong nước với mức giá vé máy bay giảm hơn 50% và miễn phí đêm khách sạn đầu tiên trong chương trình tour”-ông Yên nêu ví dụ.

Hiến kế để ngành du lịch và hàng không hợp tác phát triển,  Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính để xuất, hiện ngành hàng không đã mở nhiều chuyến bay đêm nhưng số lượng người sử dụng không nhiều. Nguyên nhân là do du khách mất thêm một đêm lưu trú khi chính sách nhận/trả phòng của các khách sạn chưa linh hoạt.

“Các khách sạn, nên áp dụng chính sách nhận, trả phòng linh hoạt theo nguyên tắc khách hàng được ở 24 giờ. Không nên “cứng” như hiện nay là nhận phòng sau 14 giờ và trả phòng trước 11 giờ. Chính sách nhận trả phòng linh hoạt sẽ tạo điều kiện cho hàng không “bắt tay” với du lịch tăng các chuyến bay đêm”-ông Chính nêu rõ.

Như vậy để có được cái “bắt tay” cũng phát triển giữa hàng không, du lịch điểm đến đòi hỏi phải sớm có kế hoạch liên kết tổng thể quy mô quốc gia. Trong đó cần có vai trò "nhạc trưởng" của cơ quan quản lý nhà nước cấp cao là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam hoặc Chính phủ để bàn kế hoạch hợp tác trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa các bên.