Cần chế định kiểm soát quyền lực Nhà nước

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 16/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó, các nội dung quyền lực nhân dân, thành lập hội đồng lập hiến, tính bền vững của Hiến pháp… là những vấn đề được tập trung cho ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội): Đề xuất Thủ đô được ban hành một số chính sách đặc thù
"Hiến pháp vẫn quy định Thủ đô là Hà Nội, nhưng tôi đề nghị bổ sung thêm một chế định quan trọng là Thủ đô được ban hành và thực hiện một số chính sách đặc thù theo luật định. Đây là một quy định mà cũng rất nhiều Hiến pháp ở trên thế giới đã quy định".
Băn khoăn “sức bền” của Hiến pháp

Với nhận định, chỉ cần "sai một từ, thừa một chữ" là ảnh hưởng tới cả hàng triệu người dân, ảnh hưởng tới "sức sống lâu bền" của Hiến pháp, nhiều ĐBQH đã góp ý cả câu chữ cho đến cách hành văn, bố cục và nhận định rằng, Dự thảo còn diễn giải dài, cần có căn chỉnh lại. ĐB Trần Đình Nhã (đoàn Thừa Thiên - Huế) đề nghị bổ sung một vấn đề khá mới, đó là nếu xảy ra chiến tranh, cơ quan nào sẽ thay thế Quốc hội giám sát, làm luật. Theo ĐB, Hiến pháp phải tiên liệu được điều này. ĐB Hồ Trọng Ngũ (đoàn Vĩnh Long) cũng như nhiều ĐB đề nghị, Hiến pháp lần này thay đổi rất nhiều, do đó nên gọi tên là "Hiến pháp năm 2012". Hiến pháp lần này có tư tưởng pháp luật đổi mới khắc phục căn bản những gì liên quan tới hoàn cảnh lịch sử. Bởi vậy dùng từ Hiến pháp sửa đổi có thể gây hiểu nhầm.

Nhân dân là chủ thể lập hiến

Một vấn đề được phần lớn các ĐB đề cập tới chính là quyền của nhân dân nên được thể hiện thế nào trong Hiến pháp. ĐB Hà Hùng Cường (đoàn Quảng Trị) cho rằng, Hiến pháp là đạo luật gốc, do đó cần thể hiện quyền lực của nhân dân và do nhân dân làm ra. Việc lấy ý kiến nhân dân là cần thiết, đồng thời những lần sửa đổi sau cần trưng cầu ý dân sau khi Quốc hội đã thông qua.ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị bổ sung thêm điều mới, gồm 2 khoản, trong đó có khoản công dân có quyền khởi kiện tại tòa án khi quyền con người của mình bị xâm phạm. 

 
Cần chế định kiểm soát quyền lực Nhà nước - Ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Minh Điền
 
 
Phân tích về vấn đề dân chủ trực tiếp, ĐB Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định trong Dự thảo còn rất hẹp, mới chỉ thể hiện qua trưng cầu dân ý, mà nội hàm nó rộng hơn, dân chủ trực tiếp là quyền tiếp cận thông tin của nhân dân, bầu cử trực tiếp một số chức danh. Vì vậy, nên thành lập Hội đồng bầu cử, đảm nhiệm các công việc liên quan tới trưng cầu dân ý, bầu một số chức danh do nhân dân bầu, lấy ý kiến nhân dân trong một số vấn đề không liên quan tới trưng cầu dân ý, tổ chức bầu Quốc hội… 

Chủ tịch nước có quyền bãi bỏ văn bản của Chính phủ

Đưa ra vấn đề tương tác giữa quyền lực của Chủ tịch nước và Chính phủ, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. HCM) cho rằng: Định chế Chủ tịch nước là một trong những định chế để có thể tham gia vào việc điều tiết cân bằng và kiểm soát giữa các quyền. Do đó, đề nghị thiết kế Chủ tịch nước có một số quyền và thể hiện được vai trò kiểm soát đó. Trong đó có quyền bãi bỏ văn bản của Thủ tướng Chính phủ, thành viên Chính phủ trái với Hiến pháp và pháp luật. Các ĐB cũng cho rằng, cần cân nhắc việc sửa đổi điều chỉnh thẩm quyền của Quốc hội chỉ quyết định ngân sách T.Ư mà không quyết định ngân sách địa phương như trong Dự thảo có phù hợp với vị trí và vai trò của Quốc hội hay không. Đồng thời, bổ sung quyền Quốc hội được quyết định số thành viên Chính phủ; có Ủy ban chuyên trách điều tra những vụ sai phạm ở tập đoàn Nhà nước, dựa trên kết quả điều tra, thanh tra đó, Quốc hội có quyền đình chỉ luôn hoạt động. Một số ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước cũng trực thuộc Quốc hội, bởi: "Có nhiều khoản chi cực lớn mà Quốc hội không biết nên không thể giám sát.
ĐB Đỗ Văn Đương (đoàn TP.HCM) đề nghị: Phải làm rõ hơn nhiệm vụ quyền hạn của kiểm toán, không chỉ kiểm soát tài sản quốc gia mà phải kiểm soát các nguồn lợi khác của quốc gia. ĐB Trần Đình Nhã đề xuất đưa vào Hiến pháp các thiết chế như Hội đồng Hiến pháp, cơ quan chống tham nhũng độc lập, trả lại cho Viện Kiểm sát nhân dân chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với các cơ quan hành pháp, tư pháp đã bỏ đi cách đây 12 năm. Tán thành với Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các ĐB đề nghị ban soạn thảo có giải trình rõ ràng về Hiến pháp, phổ biến đầy đủ đến nhân dân, đồng thời lưu lại để tránh những cách hiểu khác nhau và không chính xác.

 
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội): Vênh nhau về thu hồi đất
Tôi tán thành với quy định về sở hữu đất đai tại Điều 58 và Điều 59 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong đó khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. Điều này giúp ngăn ngừa sở hữu địa tô bất hợp lý… Tuy nhiên, chế định sở hữu đất đai giữa dự thảo Hiến pháp và Luật Đất đai đang bàn có vênh nhau. Đặc biệt ở vấn đề thu hồi đất: Hiến pháp quy định 2 lý do thu hồi: Quốc phòng, an ninh quốc gia, trong khi dự thảo Luật Đất đai còn có thêm: thu hồi vì mục đích phát triển lợi ích công cộng và kinh tế - xã hội. Luật Đất đai sẽ dự kiến thông qua vào tháng 5/2013 trong khi đó Hiến pháp đến tháng 11/2013 mới thông qua, như vậy sẽ rất khó xử lý, Quốc hội cần lưu ý.