Cần chỉ rõ "địa chỉ" cụ thể và đích danh cá nhân nào tham nhũng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2016.

"Tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi" tiếp tục là nhận định được đưa ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn
Năm 2016, tham nhũng gây thiệt hại trên 240 tỷ đồng
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, từ đầu năm đến nay, ngành thanh tra đã phát hiện 35 vụ, 71 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng; các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2016 gây thiệt hại trên 240 tỷ đồng, 838m2 đất. Do chưa xóa bỏ được cơ chế "xin, cho", chính là là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn, tài sản Nhà nước, tổ chức - cán bộ, tín dụng, ngân hàng. Vẫn còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý tham nhũng.

Trong khi đó, dưới góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá: Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. Chỉ có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong khi đó có tới 159 vụ/402 bị cáo TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm, giảm 155,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng thẳng thắn nêu ra tình trạng thời gian qua có một số trường hợp điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân. Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản Nhà nước. Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ Đảng viên và Nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới.
Cần chỉ rõ "địa chỉ" và trách nhiệm cá nhân
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng: Tình hình thực tế phức tạp nhưng báo cáo chưa có gì mới. Thông tin có, nhưng chưa phân tích cụ thể. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: "Trong nhiều phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Khóa XIII đánh giá một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của bộ máy Nhà nước trì trệ, nhất là tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng là do trong nhiều năm các báo cáo này vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung: "có nơi", "có lúc", "có địa phương", "có một bộ phận cán bộ, công chức"... mà không có địa chỉ cụ thể nên không có tác động để chỉnh đốn, thay đổi". Theo bà Nga, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng: Trước hết phải có thay đổi đột phá trong đánh giá đúng, thực chất tình hình tham nhũng, thẳng thắn chỉ ra địa chỉ cụ thể của những tồn tại, hạn chế trong ngành, lĩnh vực nào, địa phương nào và trách nhiệm thuộc về cá nhân nào.
Đồng thời, các ý kiến cũng nhận định, trong 3 năm gần đây, số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử giảm dần. Hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm, còn nhìn chung ở cấp tỉnh, huyện, các bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn rất ít.

Tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp

Cùng ngày, UBTV Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần phân tích cụ thể việc tội phạm công nghệ cao tăng 100% trong chưa đầy 10 tháng; tội phạm ma túy cũng tăng 20%... Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, diễn biến tội phạm rất phức tạp. Riêng về tội phạm vị thanh niên, năm 2016 gần 2.000 vụ (dưới 18 tuổi), giảm gần 20% so với năm 2015. Nhưng thống kê của Bộ Công an cho thấy tội phạm ngày càng trẻ hóa, tội phạm dưới 30 tuổi chiếm đến 78%. Đối tượng tội phạm hình sự cộm cán, điều hành những DN trong nhiều lĩnh vực; một số tội làm hàng giả, trốn thuế...