Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần chính sách khuyến khích tích tụ đất nông nghiệp

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đi đôi với việc sửa Luật Đất đai, Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cá nhân có năng lực tổ chức sản xuất tốt đứng ra tích tụ, tập trung ruộng đất, góp phần sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

Nhận diện rõ những bất cập

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, hiện các tổ chức kinh tế trong nước (hợp tác xã, doanh nghiệp) sử dụng khoảng 669.113ha, chiếm 5,7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng 5.992ha, chiếm 0,05% diện tích.

Mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Ánh Ngọc 
Mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Ánh Ngọc 

Riêng các hộ gia đình, với khoảng 18,8 triệu lao động nông nghiệp, chiếm 34,5% tổng số lao động, sử dụng 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Song, chủ yếu là sản xuất thuần nông, quy mô nhỏ, phân tán, gây cản trở phát triển nông sản hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Đáng nói, trong khi ở nhiều nơi, người nông dân bỏ ruộng hoang, chuyển sang làm ngành nghề khác hoặc sản xuất cầm chừng với mục đích giữ ruộng đất, không ít doanh nghiệp, cá nhân có năng lực về tài chính, kỹ thuật muốn có đất nông nghiệp lại gặp khó khăn trong việc tạo quỹ đất, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có hàng trăm nghìn héc ta đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Tại Hà Nội, diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang mỗi năm cũng khoảng 2.000 - 4.000ha, chưa kể không ít diện tích đất quy mô nhỏ, nông dân sản xuất cầm chừng, hiệu quả thấp.

Phân tích về nguyên nhân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, do việc chuyển dịch lao động nông thôn sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chưa bền vững, khiến các hộ nông dân vẫn có tâm lý phòng xa những lúc khó khăn phải quay về quê hương nên vẫn giữ ruộng, mặc dù không hề sản xuất.

Mô hình canh tác lúa áp dụng đồng bộ cơ giới hóa tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh. Ảnh: Ánh Ngọc 
Mô hình canh tác lúa áp dụng đồng bộ cơ giới hóa tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh. Ảnh: Ánh Ngọc 

Còn theo chia sẻ của ông Trần Văn Thắng, một chủ trang trại nuôi bò công nghệ cao ở xã Thọ An, huyện Đan Phượng, trong những năm qua, mặc dù rất cố gắng song việc tập trung và tích tụ đất đai của gia đình hết sức khó khăn. Thực tế, đã có tới 80% số hộ đồng ý cho thuê, thầu đất, nhưng 20% còn lại không đồng ý, do đó, việc tập trung đất đai để hình thành vùng sản xuất lớn, đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa không thực hiện được.

Cần có cơ chế, chính sách thông thoáng

Những bất cập nêu trên cho thấy, không chỉ Luật Đất đai cần sửa đổi, mà các bộ, ngành, địa phương cũng cần có những chính sách hợp lý, thông thoáng để khuyến khích người dân tham gia vào quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất, hướng đến sản xuất quy mô lớn.

Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo nhận định, trong xu hướng sản xuất lớn, tập trung, phân công lại lao động, giảm nhanh lao động nông nghiệp và lấy hiệu quả sản xuất làm đầu thì không nhất thiết phải đặt ra hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Điều quan trọng là cần phải có những quy định chặt chẽ, chế tài rõ ràng, cụ thể, hợp lý để không xảy ra tình trạng tích tụ đất nông nghiệp xong để hoang, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích. Mặt khác, sau khi có các quy định về hạn điền thì giải pháp cho việc tập trung và tích tụ đất đai đạt được quy mô, đáp ứng yêu cầu của sản xuất cũng cần được quan tâm.

Việc tích tụ đất đai sẽ giúp hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiệu quả. Ảnh minh họa 
Việc tích tụ đất đai sẽ giúp hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiệu quả. Ảnh minh họa 

Tỉnh Thái Bình là địa phương đi đầu trong việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất lớn. Ngành nông nghiệp Thái Bình đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp các hộ dân không có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp cho tổ chức, cá nhân khác thuê, thầu lại, với mức hỗ trợ 20kg thóc/sào/năm.

Về phía các đơn vị tham gia thầu, khoán, tích tụ, tập trung ruộng đất tốt sẽ được hỗ trợ về vốn để đầu tư cơ giới hóa sản xuất. Khi cả hai bên cùng được tạo điều kiện, việc tích tụ, tập trung đất đai diễn ra khá thuận lợi và hiệu quả.

Kỳ vọng vào chính sách trong thời gian tới, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa) Cao Thị Thủy đề xuất, Nhà nước cần có quy định cụ thể đối với các đơn vị tổ chức sản xuất được tạo điều kiện, bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp khi tham gia vào quá trình tích tụ, tập trung đất đai, hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Hà Công Tuấn khuyến nghị, để sử dụng hiệu quả hơn đất nông nghiệp, Nhà nước cần có chính sách điều tiết, phân bổ ngân sách, hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.

Bên cạnh đó, việc bổ sung quy định “tập trung đất nông nghiệp” và “tích tụ đất nông nghiệp” là cấp thiết. Quy định có tính định khung về nguyên tắc, điều kiện, hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, do đó cần chi tiết, phù hợp với những quy định, pháp luật mới.

 

Điều 170 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất. Với quy định này, diện tích đất cây hàng năm của hộ gia đình, cá nhân sử dụng tối đa lên tới 45ha. Hạn mức này cao hơn so với Luật Đất đai hiện hành với quy định không quá 10 lần.