Chiều 10/2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019 - nCoV) của TP Hà Nội đã giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.
Có khả năng triển khai được 3.342 giường bệnh cách ly
Theo báo cáo của Sở Y tế, theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến 15h00 ngày 10/2/2020, thế giới đã ghi nhận 40.614 trường hợp mắc bệnh nCoV, trong đó có 910 trường hợp tử vong (Trung Quốc có 908 trường hợp). Bệnh đã xâm nhập sang 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc.
Tại Việt Nam, đã ghi nhận 14 trường hợp dương tính với nCoV, đã có 6 trường hợp khỏi bệnh. Theo tỉnh, thành, Vĩnh Phúc: 9; TP. Hồ Chí Minh: 3; Khánh Hòa: 1; Thanh Hóa: 1.
Tại Hà Nội, đến 15h00 ngày 10/2/2020, chưa ghi nhận trường hợp dương tính với 2019-nCoV; có 49/53 trường hợp giám sát tại bệnh viện và cộng đồng có kết quả âm tính với nCoV, 4 trường hợp còn lại chưa có kết quả xét nghiệp và tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ. Hiện đã có 1.471 trường hợp được cách ly y tế và theo dõi giám sát sức khỏe do có tiền sử đi từ hoặc đi qua vùng dịch về; còn 861 người phải tiếp tục cách ly theo dõi sức khỏe.
Công TP đã lập hồ sơ xử lý 9 trường hợp về hành vi đăng tin, bài sai sự thật trên Facebook cá nhân, gây hoang mang dư luận tại huyện Đông Anh, Thường Tín, Chương Mỹ, Ba Vì, Thạch Thất, Mê Linh.
Ngành Y tế đã phối hợp với Công an TP bố trí khu vực cách ly cho những người là công dân Việt Nam đi về từ vùng dịch, hiện tại Bệnh viện Công an Thành phố đang cách ly 10 người trở về từ Trung Quốc (không có trường hợp từ Hồ Bắc); Phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị liên quan lên phương án bố trí bệnh viện dã chiến khi dịch bệnh lan rộng với quy mô 600 giường, huy động 400 y bác sĩ.
Hiện tại, các đơn vị Y tế của Hà Nội có khả năng triển khai được 3.342 giường bệnh cách ly để điều trị cho người bệnh nhiễm nCoV.
Trong các ngày vừa qua, UBND các quận, huyện, thị xã đã triển khai quyết liệt việc vệ sinh môi trường khử khuẩn phòng chống dịch thường xuyên tại tất cả các cơ quan công sở, nhà máy, xí nghiệp, trường học, các khu chung cư trên địa bàn. Trong ngày thứ Bảy, Chủ Nhật vừa qua đã tiến hành vệ sinh môi trường khử khuẩn tại 4.238 trường học và sẽ tiếp tục triển khai lần 2 tại các trường còn lại.
Đảm bảo nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân
Tại hội nghị, đại diện các quận, huyện đã thông tin nhanh tình hình triển khai công tác phòng chống dịch trên địa bàn các địa phương. Nêu khó khăn trong công tác cách ly các đối tượng cách ly tại khách sạn hiện nay, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Có những người thuộc đối tượng cách ly nhưng họ không thuê khách sạn đủ 14 ngày, nên các cơ sở lưu trú này đề nghị có hướng dẫn về chi phí cũng như chế độ ăn uống như thế nào?
Trên địa bàn quận Cầu Giấy có 5000 người nước ngoài, trong đó có 397 người Trung Quốc đang lưu trú tại hơn 200 cơ sở. Đại diện quận Cầu Giấy cho biết quận đang thiếu vật tư y tế phục vụ cho công tác khử trùng.
Quận Ba Đình hiện có 8 người trên địa bàn quận đã có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV; quận đang tổ chức cách ly ở nơi cư trú 37 trường hợp bao gồm cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài có biểu hiện sốt.
Trên địa bàn quận Hoàng Mai có 141 công dân có người từ Trung Quốc về; hiện việc cách ly tại nơi cư trú đang được thực hiện chặt chẽ; có 25.000 người trên địa bàn quận tham gia tích cực công tác khử trùng.
Huyện Mê Linh kiến nghị với TP cần có cơ chế quản lý, bồi dưỡng những cán bộ thực hiện nhiệm vụ và hỗ trợ những đối tượng thực hiện cách ly; đồng thời quan tâm việc bố sung khẩu trang tại các địa phương.
Tại hội nghị, Sở VHTT đề xuất tăng cường công tác tuyên truyền, phát khẩu trang miễn phí ở các điểm di tích, tăng cường hơn nữa việc khử khuẩn.
Đại diện Sở Tài chính cho biết với phương châm nguồn phòng chống dịch bệnh luôn được ưu tiên, Sở đã có hướng dẫn các quận huyện về mức chi trong công tác phòng chống dịch. Đối với chi tiền ăn cho bệnh nhân cách ly, theo quy định tại Thông tư 32, người bị cách ly phải tự chi trả, Nhà nước chỉ hỗ trợ các hộ nghèo với mức 40.000 đ/ngày.
Đối với khó khăn mà quận Hoàn Kiếm nêu, Sở Tài chính cho biết: Hiện không có quy định bố trí ngân sách để trả thêm tiền khách sạn những người thuộc diện cách ly. Về việc này, người thuộc diện cách ly có thể tự chi trả, hoặc có thể chuyển về cơ sở y tế cách ly của TP.
Sở Công thương cho biết hiện Sở đang chỉ đạo các đơn vị đảm bảo các mặt hàng cần thiết tại các chợ và siêu thị; đồng thời đề xuất các sở ngành phối hợp để xây dựng kịch bản công tác dự trữ hàng hóa, đảm bảo cung cấp thực phẩm cho người dân trong trường hợp TP có 1000 người bị nhiễm bệnh.
Liên quan đến đề xuất của quận Hoàn Kiếm, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho rằng các quận, huyện cần đàm phán hỗ trợ những người nước ngoài này về visa; trao đổi với cơ sở lưu trú hỗ trợ giảm chi phí cho những đối tượng cách ly; đồng thời xử lý nghiêm đối với những đối tượng không thực hiện nghiêm túc việc cách ly.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhận định, mặc dù đến nay chưa ghi nhận ca dương tính với nCoV tại Hà Nội nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện ca mắc từ những trường hợp trở về từ vùng dịch với đặc điểm lây lan nhanh của dịch bệnh do nCoV, không loại trừ khả năng dịch bùng phát và lan rộng khi có trường hợp mắc trên địa bàn TP. Do vậy cần tiếp tục quyết liệt triển khai các biện pháp, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện ca nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, điều trị, bao vậy, khoanh vùng xử lý với mục tiêu không để xuất hiện ca bệnh thứ phát. Đặc biệt lưu ý có biện pháp xử lý cần thiết đối với những đối tượng không hợp tác việc cách ly.
Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Tài chính chủ động có phương án sẵn sàng cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân khi trường hợp xấu nhất xảy ra. Sở Y tế, Sở Tài chính đề xuất các chế độ chính sách đối với những người đang thực hiện cách ly tại cơ sở lưu trú và tại bệnh viện.