Cần có chiến lược xử lý đối với chất thải nguy hại

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 31/8, Hội Khoa học kỹ thuật An toàn - Vệ sinh lao động Việt Nam (VOSHA) phối hợp với Viện Tài nguyên và Môi trường; Tổ chức nhân dân Úc vì Y tế, Giáo dục và Phát triển hải ngoại (APHEDA) tổ chức Hội thảo “Xử lý các chất thải nguy hại trong đó có amiang”. Tại đây, nhiều chuyên gia đã đưa ra những cảnh báo về sự nguy hiểm của amiang đối với sự an toàn của cuộc sống trong tương lai.

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia đã đưa ra những cảnh báo nguy hại của amiang trong tương lai.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong nhiều năm, lượng amiang nhập vào Việt Nam khoảng 60.000 tấn/năm. Cộng dồn nhiều năm qua, Việt Nam đang phải đối mặt với 10 triệu tấn amiang xi măng đã và đang trở thành chất thải nguy hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Tại hội thảo, GS. TS Lê Vân Trình - Chủ tịch VOSHA cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa có chế tài phân loại và chưa có sự đồng bộ trong thu gom đối với chất thải nguy hại, trong đó có amiang, gây nhiều rủi ro cho cộng đồng.
Thực tế cho thấy, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi nilong của cả nước chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt, dẫn tới thảm họa “ô nhiễm trắng”.
Chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc hiện nay khoảng 800.000 tấn/năm. Ước tính trong chất thải rắn công nghiệp, lượng chất thải nguy hại chiếm tỷ lệ 20 - 30%.
Một vấn đề nóng trong xử lý chất thải nguy hại trong lĩnh vực xây dựng hiện nay là amiang. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay, có hơn 100.000 người chết do các bệnh liên quan đến amiang. Việt Nam nằm trong top 7 nước sử dụng nhiều amiang nhất thế giới.
Theo GS. TS Lê Vân Trình, mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý chất thải nguy hại của Việt Nam đã khá đầy đủ, nhưng trong đó không nói nhiều về amiang. Vì vậy, cần phải đưa amiang vào loại rác thải nguy hại ở bất kỳ dạng nào để có cách bảo quản, vận chuyển, xử lý đúng cách nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động và cho môi trường xung quanh.
GS.TS Lê Vân Trình đề xuất, những người làm luật sớm đưa amiang vào là một loại chất thải nguy hại, có biện pháp cảnh báo người dân không sử dụng tùy tiện, tiến tới dừng sử dụng amiang theo đúng lộ trình.
Để giải quyết được dứt điểm việc cấm amiang tại Việt Nam, PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường nhấn mạnh cần phải có một chiến lược, có chính sách quy định cụ thể về loại chất độc này.
“Chúng ta phải khẳng định chất amiang là độc hại, cần phải xử lý như chất thải nguy hại, không được phép lách như chất thải bình thường, có như vậy mới giải quyết vấn đề sức khỏe cho người dân. Nếu không có chiến lược sẽ là vấn đề lớn đối với Việt Nam khi xử lý chất thải do amiang vì nó liên quan đến an sinh xã hội của đất nước. Chúng ta không đánh đổi kinh tế lấy môi trường bẩn” - PGS. TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Còn ThS Trương Thị Yến Nhi - Đại học Công đoàn cũng bày tỏ quan điểm, trước mắt, khi vẫn chưa dừng sử dụng các vật liệu có chứa amiang cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật ngăn ngừa người lao động bị phơi nhiễm với amiang. Trong đó, chú ý việc vận chuyển, xử lý đúng cách, tránh gây phát tán sợi amiang ra môi trường.
“Ngành y tế cần nâng cao kỹ thuật chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng sớm cho các bệnh liên quan đến amiang. Đồng thời, thiết lập các trung tâm nguồn dữ liệu amiang để đăng ký, theo dõi và giám sát điều trị cho những người bị phơi nhiễm với amiang” - bà Trương Thị Yến Nhi cho biết.